Cụ thể, trên sàn chứng khoán, từ ngày 13/5 đến kết phiên ngày 24/5, cổ phiếu của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã ck: NTP) tăng gần 50%. Trong đó, có tới 3 phiên tăng trần tại các phiên ngày 20/5, 22/5, 23/5 với mức giá lần lượt là 47.000 đồng/cổ phiếu, 53.900 đồng/cổ phiếu và 59.200 đồng/cổ phiếu. Kết phiên ngày 24/5, cổ phiếu NTP tiếp tục tăng lên mức 62.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản khớp lệnh cao hơn 10,5 lần so với trung bình 10 phiên trước đó.

Giá cổ phiếu tăng 10 phiên liên tiếp, Nhựa Tiền Phong kinh doanh ra sao sau khi SCIC thoái vốn?
Diễn biến cổ phiếu NTP tích cực trái ngược với kết quả kinh doanh. Ảnh: CafeF.

Được biết, đà tăng mạnh của cổ phiếu NTP diễn ra ngay sau khi SCIC công bố thông tin sẽ thoái vốn doanh nghiệp này. Theo đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đưa NTP vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024, sau 2 năm vắng bóng tại danh sách bán vốn của SCIC (2022 - 2023). Tại NTP, SCIC đang nắm giữ 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 48 triệu cổ phiếu.

Trái ngược với diễn biến tích cực của cổ phiếu trên sàn chứng khoán, NTP có kết quả kinh doanh quý I/2024 không mấy khả quan. Tại báo cáo tài chính quý I/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất NTP lần lượt đạt 949 tỷ đồng và 109 tỷ đồng, tương ứng giảm 27% và 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý I đạt 5.189 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 5% so với thời điểm đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tổng giá trị 1.252 tỷ đồng. Dư nợ vay cuối kỳ là 1.410 tỷ đồng và chiếm phần lớn là vay ngắn hạn.

Năm 2024, NTP lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 104.500 tấn và doanh thu bán hàng đạt 5.400 tỷ đồng, cùng tăng 6% so với thực hiện trong năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 13,4% so với năm 2023, đạt 555 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, NTP đã thực hiện được 23,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Nhựa Tiền Phong tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, được thành lập từ năm 1960. Công ty hiện có 3 nhà máy ở Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với mạng lưới phân phối gồm 12 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và hơn 26.000 điểm bán hàng được phân bố trên khắp cả nước.

Tại ngày 31/12/2023, ngoài SCIC, doanh nghiệp còn có ba cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (nắm giữ 19,43 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15%), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (18,48 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,27%) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (8,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,87%).