Gia đình Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu, thị giá về đáy lịch sử

CTCP Tập đoàn Đua Fat (mã: DFF) mới đây thông báo về việc bán giải chấp một lượng lớn cổ phiếu liên quan người nội bộ.

Theo đó, ông Lê Văn Thịnh, em ruột của ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Đua Fat bị công ty chứng khoán bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu DFF kể từ đầu tháng 9 tới nay. Qua đó, khối lượng sở hữu giảm xuống còn 3,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 4,43% vốn.

Tương tự, bà Trần Thị Hồng Nhung, vợ của ông Lê Duy Hưng báo cáo đã bị bán giải chấp hơn 3,2 triệu cổ phiếu DFF trong tháng 9, giảm sở hữu về còn chưa đầy 2 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,44%).

Tính chung giai đoạn từ 22/7 tới hết 25/9, công ty chứng khoán đã bán giải chấp tổng cộng hơn 10,5 triệu cổ phiếu DFF của cả Chủ tịch và người thân.

Sau các giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Hưng và các cá nhân liên quan tại Đua Fat đã giảm xuống còn 61,57% vốn, tương ứng hơn 49,3 triệu cổ phiếu.

Gia đình Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu, thị giá về đáy lịch sử- Ảnh 1.

Áp lực giải chấp diễn ra song song với xu hướng lao dốc của cổ phiếu. Cổ phiếu này từng chứng kiến quãng giảm 29 phiên liên tiếp, với hàng chục phiên giảm sàn kể từ đầu tháng 7 trước khi chững lại và đi ngang từ đầu tháng 8 tới nay. Hiện, thị giá DFF đang dừng ở mốc 2.600 đồng/cp, tương ứng “lao dốc” gần 65% trong vòng 2 tháng, về vùng đáy lịch sử.

Gia đình Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu, thị giá về đáy lịch sử- Ảnh 2.

Trường hợp của cổ phiếu DFF tương đồng với HPX, NVL hay PDR trong quá khứ. Thị giá các cổ phiếu này giảm sàn hàng chục phiên kích hoạt lệnh bán giải chấp đối với cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, ông Lê Duy Hưng sinh năm 1979, ông từng theo học chuyên ngành Khoan, khoa dầu khí của trường Đại học Mỏ địa chất. Trước khi thành lập và lãnh đạo Tập đoàn Đua Fat năm 2009, ông từng là đội trưởng thi công tại CTCP Kỹ thuật Nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) từ năm 2002 đến năm 2009.

Ông thành lập công ty Đua Fat vào năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng… Doanh nghiệp này bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào giữa năm 2021. Vào tháng 3/2022, Đua Fat đã tăng vốn gấp đôi từ 400 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, Đua Fat đang ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi. Trong năm 2023, công ty này đã ghi nhận doanh thu giảm mạnh so với năm trước đó, sau khi trừ chi phí thì lỗ đậm gần 200 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2024 công ty này tiếp tục báo lỗ.

Gia đình Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu, thị giá về đáy lịch sử- Ảnh 3.

Không chỉ gặp khó khăn trong tình hình kinh doanh, Đua Fat còn đang loay hoay với những khoản nợ của mình. Đầu tiên, Đua Fat đã phát hành lô trái phiếu DFFH2123001 vào ngày 1/9/2021 và đáo hạn vào ngày 1/3/2023 với lãi suất 11,75%/năm, quy mô 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết hạn ngày 1/3/2023 vẫn còn 89,52 tỷ đồng dư nợ chưa thanh toán cho trái chủ.

Theo Nghị quyết được người sở hữu trái phiếu thông qua vào ngày 2/3/2023 do Đua Fat công bố, Tập đoàn cùng với trái chủ đã thông qua lộ trình thanh toán trái phiếu kéo dài đến ngày 14/7/2023, chậm 4 tháng so với kế hoạch. Lãi suất tính trong thời gian quá hạn ở mức 17,625%/năm, tăng vọt so với mức lãi suất ban đầu.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 do Đua Fat công bố, số dư của lô trái phiếu DFFH2123001 còn khoảng 81,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Đua Fat cũng còn khoản trái phiếu ký hiệu DFFH2124002 trị giá 299,8 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào 31/12/2024.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng nợ phải trả của Đua Fat ở mức 3.248 tỷ đồng (tương ứng 82,7%), gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Tính riêng các khoản nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 2.300 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn