Giá thuê bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng mạnh nhất cả nước

Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), cho thấy phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì vị thế là “ngôi sao” dẫn đường.

Đến cuối năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp, bao gồm: 368 khu công nghiệp nằm ngoài và 44 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế, với tổng diện tích hơn 217 nghìn ha. Trong đó, 295 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tổng diện tích 92,2 nghìn ha, tăng thêm 7 khu công nghiệp so cùng kỳ.

Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cũng tăng trưởng bất chấp khó khăn của nền kinh tế. Tỷ lệ lấp đầy chỉ giảm nhẹ cục bộ tại một vài tỉnh ghi nhận nhiều nguồn cung mới có sẵn. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy những khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 70%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 80% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 90%. Tương tự về giá thuê, khu vực miền Bắc được chứng kiến mức tăng mạnh nhất, trung bình đạt 135 USD/m2/chu kỳ thuê, đã tăng 33% so với năm 2022. Còn tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15% so với năm 2022.

Theo Vars đánh giá, năm 2023, mặc dù thị trường bất động sản gặp khó khăn nhưng tình hình thu hút đầu tư vẫn đạt kết quả tốt. Các khu công nghiệp, khu kinh tế ghi nhận trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng hơn 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế ước chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng xấp xỉ đạt 30%. Qua đó càng thúc đẩy hạ tầng, kinh tế của địa phương, tạo tiền đề cho công nghiệp phụ trợ và bất động sản nhà ở, nhà ở cho thuê phát triển.

“Chính sự nỗ lực, quyết tâm cao của cơ quan quản lý Nhà nước và việc các tỉnh, thành chủ động định hướng ngành nghề ưu tiên phù hợp; bố trí quỹ đất trong quy hoạch; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách mở cửa, mời gọi đầu tư nên hoạt động đầu tư kinh doanh của các khu công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển”, Vars khẳng định.

Từ tình hình thực tế, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes đánh giá năm 2024, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng nổi bật và sẽ là xu hướng, có sự phát triển mạnh hơn nữa, hấp lực mạnh đối với dòng vốn đầu tư. Đặc biệt, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện, nguồn vốn FDI khả năng có một lượng không nhỏ đến từ Hoa Kỳ.

Theo ông Chung, giới đầu tư hiện hiện rất quan tâm phân khúc bất động sản công nghiệp. Năm 2024 có thể là một năm phát triển mạnh của phân khúc bất động sản này. “Chúng tôi ghi nhận nhiều đối tác lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kong đang dành sự quan tâm lớn cho phân khúc bất động sản công nghiệp. Với giới đầu tư đến từ nước ngoài họ luôn tìm kiếm cơ hội M&A. Tuy nhiên, tại Hà Nội và TP.HCM, giá đã tăng cao, quỹ đất khan hiếm nên cơ hội M&A hạn chế. Xu hướng thời gian tới sẽ lan sang các khu công nghiệp thuộc các tỉnh vùng ven hai đô thị trên”, ông Chung nhấn mạnh.

Tuy nhiên bên cạnh động lực, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV lưu ý vẫn còn một số vướng mắc về khu công nghiệp, bao gồm bất cập thể chế, chính sách. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn thấp; thiếu tầm nhìn tổng thể dài hạn, thời gian phê duyệt quy hoạch kéo dài, phức tạp; việc phát triển khu công nghiệp theo định hướng bền vững, sinh thái, hài hòa giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ chưa được chú trọng đúng mức.

Thêm nữa, công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, đa số là chậm tiến độ; quỹ đất ngày càng hạn chế; người dân chưa nhất trí với đơn giá bồi thường”, ông Lực nêu và cho biết thêm chi phí đầu tư, xây dựng biến động... vẫn đứng ở mức cao.

Xem thêm tại vneconomy.vn