Giá trị bất biến của Nam Long là chữ Tín 

Năm 2022 đánh dấu 30 năm chuyển mình quyết liệt của CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), từ công ty chuyên xây dựng trở thành một nhà phát triển bất động sản đứng đầu về nhà ở giá hợp lý và đang hướng đến một công ty bất động sản tích hợp. Chúng tôi vinh dự có buổi trao đổi với Tổng Giám đốc Trần Xuân Ngọc để hiểu thêm về hành trình phát triển cũng như những định hướng tương lai của Nam Long.

Giá trị bất biến của Nam Long là chữ Tín 

Năm 2022 đánh dấu 30 năm chuyển mình quyết liệt của CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), từ công ty chuyên xây dựng trở thành một nhà phát triển bất động sản đứng đầu về nhà ở giá hợp lý và đang hướng đến một công ty bất động sản tích hợp. Chúng tôi vinh dự có buổi trao đổi với Tổng Giám đốc Trần Xuân Ngọc để hiểu thêm về hành trình phát triển cũng như những định hướng tương lai của Nam Long.

* Thưa ông Trần Xuân Ngọc, ông được bổ nhiệm CEO cùng với thời điểm Nam Long bắt đầu cho sự dịch chuyển này. Ông đánh giá như thế nào về tầm nhìn mới của Nam Long? Đây có phải là bước đi tất yếu để Tập đoàn đón đầu tương lai bằng những chiến lược tăng trưởng đột phá?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Năm nay, Nam Long kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, là doanh nghiệp tên tuổi có giá trị trên thị trường, bắt đầu từ công ty xây dựng chuyển sang công ty chuyên về bất động sản. Trong quá trình hội nhập, Công ty đã ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp, đặc biệt nhất là có sự tham gia của các đối tác nước ngoài.

Sau năm 2020, Tập đoàn nhận thấy phải xác định được tầm nhìn mới cho 2030 để thể hiện được niềm tin và khát vọng của mình, muốn đạt được những gì đến năm 2030.

* Điều gì làm nên thành công của Nam Long ngày hôm nay, thưa ông?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Những yếu tố tạo nên sự thành công của Nam Long trước hết phải nói đến tầm nhìn của các cổ đông sáng lập, cụ thể là của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, khi đặt ra nền tảng vững chắc trong 30 năm qua. Và để thực hiện những tầm nhìn đó, không thể không kể đến đội ngũ nhân viên, đội ngũ ban giám đốc, bên cạnh đó là các đối tác của chúng tôi.

Tầm nhìn ở đây là việc lựa chọn sản phẩm. Sản phẩm của Nam Long 30 năm qua không thay đổi đó là ngôi nhà dành cho người mua ở thực, đáp ứng sức mua và mong đợi của đại đa số người Việt Nam.

Một trong những sản phẩm ghi dấu ấn Nam Long trên thị trường là EHome và đây vẫn đang là sản phẩm có giá trị.

Nam Long sở hữu 3 dòng sản phẩm giá hợp lý cho từng phân khúc khách hàng gồm: EHome - căn hộ vừa túi tiền cho người thu nhập trung bình; Flora - căn hộ biệt lập vừa sức mua cho người thu nhập trung cao; Valora - nhà phố/biệt thự cho người thu nhập cao.

Thời gian sắp tới, khi Tập đoàn phát triển các khu đô thị tích hợp, chúng tôi sẽ có nhiều sản phẩm hơn chứ không chỉ EHome. Và dù phát triển sản phẩm nào, phân khúc nào, chúng tôi vẫn sẽ hướng đến tiêu chí giá hợp lý.

* Trên hành trình phát triển, Tập ắt hẳn đã trải qua nhiều khó khăn. Chẳng hạn 10 năm trở lại đây thì thị trường đã có nhiều sự kiện như biến động lãi suất hay điều kiện kinh doanh không thuận lợi. Những thời điểm như thế, Nam Long đã làm gì để vượt qua và tiến về phía trước?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Tôi mới về Nam Long hơn 1 năm rưỡi nhưng thời gian qua, cũng đã phải đương đầu với nhiều thách thức như ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xa hơn nữa, 10 năm trở lại đây, Nam Long cũng có nhiều chu kỳ khó khăn. Yếu tố chính là sự đoàn kết chặt chẽ trong đội ngũ HĐQT cũng như ban Tổng Giám đốc và tất cả nhân viên của Nam Long cùng các công ty thành viên. Nhờ đó, đội ngũ của Tập đoàn luôn sẵn sàng đối diện với thách thức, cùng nhau đưa ra giải pháp kịp thời để vượt qua.

Điểm thứ hai cũng khá quan trọng chính là ở mọi tình huống, khi thị trường lên hay xuống, nền tảng của Nam Long luôn luôn như một, tuân thủ pháp luật và xây dựng hệ thống kinh doanh rất bền vững.

Một yếu tố nữa mang đến thành công cho Nam Long đó là hội nhập.

Đối với Nam Long, hội nhập ở đây là cổ đông. Năm 2008, Tập đoàn đã mời Goldman Sachs, Mekong Capital, ASPL vào. Lãnh đạo tại thời điểm đó nhận thấy nếu không hội nhập thì cái bánh của mình lúc nào cũng sẽ nhỏ hết, 100% của mình nhưng cái bánh sẽ nhỏ. Còn nếu hội nhập vào thì cái bánh sẽ to hơn.

Để hội nhập được, mình phải minh bạch, phải rõ ràng trong những gì mình đã làm. Từ hội nhập ở cấp độ Công ty, NLG còn đón chào các cổ đông quốc tế chiến lược đến hội nhập phát triển dự án. Hội nhập dự án có nghĩa là mời các nhà đầu tư ngoại vào đầu tư dự án, khi đó mình vừa học được kinh nghiệm phát triển quốc tế, chia sẻ được rủi ro của dự án, đồng thời giúp nguồn vốn của Tập đoàn đỡ nặng hơn, nợ cũng ít hơn.

Những khó khăn hiện nay có thể thấy là nguồn tiền, tín dụng và trái phiếu. Nhưng với mô hình Tập đoàn đang có, Nam Long đã vượt qua những thử thách này một cách khác biệt so với thị trường.

* Về câu chuyện hội nhập, khi đầu tư vào Nam Long, các nhà đầu tư ngoại có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của Tập đoàn?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Có hai đối tác Nhật đã hợp tác từ năm 2015 đến nay, đó là sự hợp tác thành công, thể hiện được tính chuyên nghiệp, chia sẻ được những giá trị cốt lõi cũng như tinh thần kinh doanh, cùng nhau hướng tới những khách hàng có nhu cầu nhà ở thực và đồng hành cùng Nam Long trong tiêu chí khách hàng ở phân khúc vừa túi tiền, giá hợp lý.

Giá trị kinh doanh và cách kinh doanh đều thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc hợp tác. Quá trình hợp tác 2 bên đều đem lại những giá trị cộng hưởng cho nhau. Nam Long học được từ đối tác Nhật cách quản lý chuyên nghiệp, tính kỷ luật. Ngược lại, họ cũng học được từ NLG kinh nghiệm về thị trường Việt Nam cũng như thị hiếu khách hàng.

Ngoài ra, sự hợp tác cũng tận dụng được nguồn vốn rẻ, nhờ đó chi phí vốn chung của 2 bên thấp hơn các công ty khác trên thị trường. Cộng thêm, các sản phẩm của Nam Long đều mang phong cách Nhật trong đó, tạo ra được những giá trị rất tốt đối với khách hàng.

* Khi vận hành, Công ty có gặp khó khăn gì trước những tiếng nói từ các cổ đông ngoại?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Sẽ phải giải thích rất nhiều. Tuy nhiên, đây là sự đánh đổi để hội nhập. Nhiều khi câu hỏi của họ làm cho mình nhìn lại định hướng mà mình muốn đi, liệu cái đó có còn phù hợp hay không.

Ví dụ, khi đưa ra tầm nhìn 30 năm về bất động sản tích hợp, người ta sẽ nghĩ đến chuyện mình làm thương mại, dịch vụ, bệnh viện, nhà trẻ... và câu kế tiếp là họ hỏi tiền đâu. May mắn là khi đưa ra tầm nhìn, Nam Long đã có sẵn định hướng là đi kêu gọi đầu tư từ bên ngoài cho những mảng kể trên, nhờ đó yêu cầu về vốn của mình sẽ không bị nhiều áp lực như các Công ty tự làm và vận hành hệ sinh thái khác.

* Tại thị trường Việt Nam, bất động sản là ngành khá cạnh tranh. Theo ông, Nam Long có những lợi thế cạnh tranh riêng nào so với các doanh nghiệp cùng ngành?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Khi nói về Nam Long, trong tầm nhìn 2030, có một yếu tố là xây dựng thương hiệu uy tín và lấy khách hàng làm trọng tâm. Thực tế, đây là một nền tảng không phải đến tầm nhìn 2030 mà trong suốt 30 năm qua, việc lấy khách hàng làm trọng tâm cũng luôn là cái cơ bản nhất để xây dựng những sản phẩm phù hợp. Trong quá trình hình thành sản phẩm cho khách hàng, lúc nào mình cũng phải duy trì uy tín của mình.

Song song đó là sự đồng hành của các đối tác - những đối tác chuyên nghiệp, có những điểm mạnh về phát triển dự án, đồng thời mang lại nguồn vốn để phát triển dự án hiệu quả nhất.

Yếu tố thứ 3 là con người. Đội ngũ của Nam Long phải thật sự chuyên nghiệp, luôn luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng cũng như có đủ năng lực với các đối tác hội nhập.

Đó là những yếu tố mang tính nội tại và ngoài ra, để một công ty bất động sản phát triển bền vững, các yếu tố bên ngoài như môi trường, các chính sách kinh doanh của Nhà nước, chính sách tín dụng, tình hình kinh tế… cũng rất quan trọng.

* Doanh nghiệp bất động sản khi bán hàng đều cần hiểu khách hàng. Nam Long đã làm cách nào để hiểu được khách hàng trong suốt 30 năm qua, để từ đó đưa ra những chiến lược phát triển sản phẩm và kế hoạch bán hàng tối ưu?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Đội ngũ kinh doanh của Nam Long đã có tệp khách hàng rất lớn trong suốt 30 năm qua. Việc xác định được tệp khách hàng và đồng hành với họ trong nhiều năm là điều rất quan trọng.

Suốt 30 năm, thị trường đã thay đổi rất nhiều, từ cách chọn mua nhà, thị hiếu thẩm mỹ đến tư duy đầu tư. 

Chúng tôi có một bộ phận R&D chuyên nghiên cứu những thay đổi này, đồng thời cân đối giữa khả năng của khách hàng, sản phẩm của mình và quy hoạch chung của quốc gia để ra được sản phẩm cân bằng, hài hòa nhất. Tuy nhiên, có một điều Nam Long không bao giờ thay đổi về chiến lược sản phẩm đó là tạo ra những sản phẩm phù hợp, giá hợp lý nhất với đối tượng mua để ở, mang lại giá trị thực cho các dự án của mình.

* Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ đất của Nam Long là bao nhiêu? Tình hình pháp lý của các dự án sắp tới triển khai ra sao?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Quỹ đất hiện nay của Nam Long là hơn 681ha, nếu so sánh với tuyên bố của các nhà phát triển bất động sản khác thì con số khá bình thường nhưng về mặt pháp lý, Nam Long mạnh mẽ tuyên bố đây là quỹ đất sạch.

Việc phát triển quỹ đất luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nam Long có đơn vị kinh doanh độc lập (Business Unit) chuyên về phát triển quỹ đất để đưa ra được những yếu tố về việc chọn địa bàn, tiêu chí để chọn quỹ đất.

Quỹ đất hiện thời của Nam Long tập trung chủ yếu ở TPHCM và 2 tỉnh lân cận là Đồng Nai và Long An. Ngoài ra còn có ở Cần Thơ và Hải Phòng. Theo đó, định hướng phát triển trong thời gian tới vẫn là các quỹ đất ở khu vực TPHCM, sau đó mới lan rộng ra và phát triển các quỹ đất ở các thành phố cấp 2. Tuy nhiên phải tùy vào thời điểm và cơ hội phù hợp.

* Theo nhiều đánh giá, thời điểm này là tốt nhất để gia tăng quỹ đất khi nhiều ngân hàng đang rao bán các tài sản là đất của khá nhiều doanh nghiệp bất động sản. Nam Long có thấy đây là thời điểm thích hợp không?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Điều quan trọng là nguồn gốc của khu đất có phù hợp hay không? Có nhiều chủ đất đang đẩy mạnh bán ra bây giờ nhưng từ trước đến nay, Nam Long luôn thận trọng, tuân thủ pháp luật và các quy định Nhà nước trong việc lựa chọn các khu đất. Quay về với quỹ đất của Nam Long, may mắn là có thể phục vụ mình trong ít nhất 5 năm nữa, tùy thuộc vào khả năng bán hàng của mình.

Trong thời gian tận dụng quỹ đất hiện tại, khi luật đổi, môi trường tín dụng đổi, khả năng sử dụng vốn sẽ thay đổi, nhiều khi đấu giá sẽ trở thành phương thức có được quỹ đất sạch nhất nhưng sẽ không phải rẻ nhất. Nam Long sẽ tính toán và cân đối lại sao cho hợp lý nhất.

* Cổ phiếu NLG trên thị trường trong năm 2021 đã đánh dấu cột mốc vốn hóa tỷ đô. Khi nhận nhiệm vụ CEO tại Nam Long, ông đưa ra mục tiêu vốn hóa sẽ đạt con số nào trong 10 năm tới?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Vào cuối năm 2021, lần đầu tiên vốn hóa NLG đạt mức tỷ đô, đây là cột mốc rất quan trọng trong lịch sử, tất nhiên bao gồm các yếu tố tích cực từ thị trường, kinh tế vĩ mô cũng như nội lực của Nam Long.

Trong quá trình xác định tầm nhìn 2030, ban lãnh đạo đã đưa ra được những con số cụ thể cũng như chiến lược phát triển 10 năm và kỳ vọng đến 2030 vốn hóa của Công ty sẽ đạt trên 3 tỷ USD.

* Để hiện thực hóa điều đó, Nam Long có những chiến lược nào?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Một phần của chiến lược để đạt được vốn hóa 3 tỷ USD vào năm 2030 là Nam Long thay đổi cơ cấu tổ chức cũng như hệ sinh thái kinh doanh của mình. Lúc trước, Tập đoàn tập trung vào việc trở thành đơn vị chức năng, còn từ năm 2021, Nam Long đã chuyển mô hình qua 3 đơn vị kinh doanh (Business Units) chính.

Đơn vị kinh doanh số 1 (BU1) tập trung tìm kiếm và phát triển quỹ đất. Nhiệm vụ của đơn vị này là ra bên ngoài tìm kiếm các quỹ đất phù hợp, làm các thủ tục pháp lý và hạ tầng để sẵn sàng đưa vào giai đoạn phát triển số 2.

Đơn vị kinh doanh số 2 (BU2) sẽ tập trung phát triển các dự án nhà ở và khu đô thị tích hợp, thể hiện năng lực triển khai dự án. Song song với đơn vị kinh doanh số 2 là các công ty dự án, từ đó thể hiện sự hợp tác của Nam Long với các đối tác Nhật.

Đơn vị kinh doanh số 3 (BU3) là đơn vị kinh doanh mới, tập trung vào phát triển bất động sản thương mại. Trong tất cả khu đô thị tích hợp của Nam Long thì ngoài những khu nhà ở sẽ có những khu thương mại, bao gồm shopping mall, trường học, bệnh viện, văn phòng…

Mục tiêu của đơn vị kinh doanh số 3 là đến năm 2030 sẽ tạo ra 15% doanh thu, mang lại dòng tiền ổn định cho Tập đoàn.

Trong tương lai, kỳ vọng của Nam Long sẽ vươn lên mô hình Holding. Đến một lúc thích hợp, các đơn vị kinh doanh trên sẽ thực hiện spin-off. Định hướng của Tập đoàn rất mở trong tương lai. Tuy chưa công bố chính thức nhưng khi có cơ hội phù hợp, Tập đoàn sẽ tham gia vào các mảng mới như bất động sản khu công nghiệp hoặc logistics.

* Trong quá trình chuyển trạng thái, chiến lược đầu tư về công nghệ trong hoạt động quản trị, vận hành của Nam Long ra sao?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Về công nghệ, cụ thể là chương trình chuyển đổi số là 1 phần trong chiến lược phát triển 10 năm để xây dựng và phát triển tổ chức, con người. Nền tảng chuyển đổi số được xem xét rất kỹ, 2 năm trở lại đây, Nam Long đã chính thức đưa hệ thống SAP ERP vào vận hành.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng viết ra được lộ trình cho chuyển đổi số trong 5 năm tiếp theo, cần phải tập trung cho mảng gì, hệ thống cốt lõi cho chương trình chuyển đổi số như dữ liệu khách hàng, số hóa các quy trình, tạo ra được nền tảng để quản trị các quy trình đó, lưu trữ dữ liệu và phân tích giúp Nam Long lập kế hoạch cũng như đưa ra được quyết định mạnh mẽ và nhanh chóng hơn.

* Nam Long đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản tích hợp hàng đầu và sáng tạo của Việt Nam lẫn khu vực trong tầm nhìn 2030. Theo ông, đây có phải tầm nhìn quá tham vọng không?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Khi chúng tôi đưa ra tầm nhìn này, đó không đơn giản là một buổi làm việc và chọn khẩu hiệu để viết vào báo cáo. Thay vào đó, qua nhiều buổi họp, HĐQT, ban giám đốc và nhân viên của Nam Long và đặc biệt là sự đồng hành của McKinsey đã cùng nhau làm việc, đưa ra những phân tích, số liệu, tình hình thực tế hiện tại, trong 3 năm, 5 năm và 10 năm tới để đúc kết được tầm nhìn chiến lược.

* Qua một chặng đường dài, giá trị nào của thương hiệu Nam Long là bất biến và giá trị nào sẽ thay đổi?

TGĐ Trần Xuân Ngọc: Giá trị bất biến chính là chữ tín. Cho dù 30 năm trước hay 30 năm sau, Nam Long có kinh doanh thế nào, có những sản phẩm nào đi nữa thì luôn luôn phải duy trì được chữ tín của mình. Trong quá trình đảm bảo chữ tín thì lúc nào cũng phải tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, cho đối tác và cho cổ đông của mình.

Giá trị thể hiện sự thay đổi phải nằm ở tinh thần sáng tạo, năng động, đáp ứng được trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào của thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Hà Lễ

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI