Giá USD ngân hàng vọt lên kịch trần ngay khi mở cửa sáng 22/4

Giá USD ngân hàng vọt lên kịch trần ngay khi mở cửa sáng 22/4- Ảnh 1.

Sáng 22/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.272 đồng, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại hôm nay là 23.059-25.485 đồng/USD. Giá bán giao ngay USD được Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữ nguyên mức 25.450 đồng.

Tương tự như các phiên cuối tuần trước, ngay khi mở cửa đầu tuần này, tỷ giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lên hết mức cho phép. Giá bán ra USD niêm yết ở mức trần 25.485 đồng.

Cụ thể, giá USD tại Vietcombank đang được niêm yết ở mức 25.175-25.485 đồng, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. BIDV và VietinBank lần lượt niêm yết 25.185-25.485 đồng và 25.160-25.485 đồng.

Các ngân hàng tư nhân cũng tăng mạnh tỷ giá, hiện Techcombank áp dụng 25.240-25.485 đồng, ACB niêm yết 25.240-25.485 đồng.

Tuần trước, tỷ giá USD ở các ngân hàng cũng đã tăng 293 đồng. Tính từ đầu năm, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 1.065 đồng, tương đương tăng 4,5%.

Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng "nóng" những ngày gần đây. Hiện giá thu mua của nhiều điểm đổi ngoại tệ trên thị trường phi chính thức đã lên 25.780 đồng, trong khi giá bán ra cũng đã lên khoảng 25.850-25.880 đồng. Theo đó, trong vòng 1 tuần, giá USD trên thị trường tự do đã tăng khoảng 350 đồng ở cả hai chiều mua – bán.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt duy trì ở mức cao nhất trong nửa năm trở lại đây, trên mức 106 điểm.

Tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 diễn ra vào ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,9% so với đồng USD. Tuy nhiên, mức mất giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Theo ông Tú, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến tỷ giá tăng.

Thứ nhất, là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của các nước, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, tình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị, giá vàng và giá xăng dầu thế giới tăng,… cũng là các yếu tố tác động đến tỷ giá của các nước nói chung, nhất là những nước có độ mở lớn như Việt Nam.

Thứ ba, chính sách lãi suất của Việt Nam đi ngược với rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi các nước tăng lãi suất thì NHNN lại điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất thấp đã phần nào tác động đến tỷ giá, nhất là trên thị trường liên ngân hàng, khi tạo ra chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD.

Sáng 19/4, NHNN cũng cho biết đã có biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường ngoại tệ khi bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Theo lãnh đạo NHNN, đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Mặc dù NHNN đã có động thái bán ngoại tệ, giá USD tại ngân hàng và cả giá USD tự do đều vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Xem thêm tại cafef.vn