Giải bài toán nguồn vốn để đánh thức “vùng đất chín rồng”

Vấn đề mà chủ doanh nghiệp lúa gạo đề cập là mối quan tâm đau đáu không chỉ của khu vực sản xuất mà còn của hệ thống ngân hàng nhiều năm nay. Câu chuyện ở đây không còn là cần bao nhiêu vốn mà là vốn cho vay được bao lâu để bàn sâu hơn câu chuyện tái thiết sản xuất lúa gạo mang tính căn cơ.

Tại một hội thảo gần đây tại Đồng Tháp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết thực tế hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nói riêng và doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cứ có 1 đồng vốn tự có thì đi vay tới 5 đồng để hoạt động. Đòn bẩy tài chính cao như vậy khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng đều rủi ro. Do đó, nhiều bộ, ngành cần chung tay giải bài toán nguồn vốn từ quy mô đến kỳ hạn thì mới có thể đánh thức "vùng đất chín rồng”.

TÍN DỤNG NÔNG NGHIỆP ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CAO NHẤT NƯỚC

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 857 nghìn tỷ đồng (đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn), tăng 6,1% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023.

Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng đối với ngành lúa gạo là thế mạnh của vùng luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

“Nguồn huy động tại chỗ không đủ, các ngân hàng đã phải điều chuyển vốn từ trung ương về bù đắp số vốn còn thiếu khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Riêng vốn cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, trái cây là 3 thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long thì luôn chiếm tỷ trọng cao so với cả nước”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Giải bài toán nguồn vốn để đánh thức “vùng đất chín rồng” - Ảnh 1

Không chỉ vốn, hiện có tới 12 văn bản đang còn hiệu lực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với ưu đãi về vốn, thời hạn, lãi suất, kể cả điều kiện tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ. Ví dụ trong Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, sau này sửa đổi ở Nghị định 116/2018/NĐ-CP có rất nhiều nội dung ưu đãi: nâng mức vay không cần tài sản thế chấp, lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên chỉ 4%/năm.

Gần đây nhất, thực hiện Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn, cùng nhóm. Trước mắt, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay, sau đó mở rộng ra các tổ chức tín dụng khác.

“Đến thời điểm hiện tại, Agribank đã phối hợp cùng các bộ, ngành thực hiện chương trình tín dụng phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long. Các chi nhánh Agribank trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác”, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, cho biết.

Theo ông Vượng, Agribank đã chuẩn bị sẵn sàng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời không hạn chế quy mô. Cùng với đó, Agribank đang triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ cho đề án này một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành đề án.

DOANH NGHIỆP LÚA, GẠO "KHÁT" VỐN TRUNG, DÀI HẠN

Tuy nhiên, theo dõi các công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực lúa, gạo trong hàng chục năm qua có thể dễ dàng nhận thấy một nghịch lý: dù ở nhiều thời điểm, doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp lại “mỏng như lá lúa”. Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trường hợp như vậy.

“Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp phải “lấy ngắn nuôi dài”, “giật gấu vá vai”, chấp nhận ở một số thời điểm sử dụng nguồn vốn vay sai mục đích, một vài năm thì chịu được nhưng mười năm, hai mươi năm thì như Trung An không chịu nổi. Đó là sự thật chứ không phải ngành hàng lúa gạo không phát triển, không có lời”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giãi bày.

Ông Bình cho biết trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp lúa, gạo đang rất khát vốn trung, dài hạn để  đầu tư xây dựng nhà máy, kho chứa, máy sấy lúa, đầu tư công nghệ silo… nhằm kịp thời thu mua lúa và chế biến gạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

“Phải làm sao để cả thế giới thấy được sự khác biệt của gạo Việt Nam so với gạo Thái Lan, Ấn Độ. Muốn vậy, cần cải tiến công nghệ rất nhiều, sau đó tập trung làm thương hiệu”, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vinarice, trăn trở.

Hiện tại, Vinarice đang cần nguồn vốn trung, dài hạn khoảng 150 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền công nghệ tồn trữ mới của Đức. Công nghệ này cho phép sử dụng khí CO2 ở nhiệt độ thấp, không làm phát sinh mọt, phân giải tồn dư độc hại, loại bỏ kim loại nặng nhằm đáp ứng yêu cầu các nhà nhập khẩu cao cấp trên thế giới.

Ở quy mô toàn vùng, Tổng Giám đốc Trung An nhẩm tính để thực hiện Đề án triệu ha lúa chất lượng cao, từ nay đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long cần nguồn lực khoảng 4 - 5 tỷ USD vốn ngắn hạn và trung, dài hạn.

“Ngành lúa, gạo không chỉ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, thu về 4,6 tỷ USD như bây giờ nữa mà đảm bảo sẽ thu về 10 tỷ USD”, Tổng Giám đốc Trung An lạc quan.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cân đối kỳ hạn luôn là bài toán đau đầu với ngành ngân hàng trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế lệ thuộc kênh vốn tín dụng.

“Người dân thường chỉ gửi tiết kiệm 1 năm, nếu ngân hàng cho doanh nghiệp vay với thời hạn 10 - 15 năm thì là cả vấn đề. Trong gần 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ của Đồng bằng sông Cửu Long, vốn tự có chỉ chiếm 18 - 20%; còn lại là vốn vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Bên cạnh đó, dù lãi suất cho vay lĩnh vực lúa, gạo chỉ 3% hay 5%/năm thì vẫn khó khăn với doanh nghiệp do tỷ lệ đi vay quá nhiều, vốn tự có ít. Lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 30% theo thông lệ quốc tế và kế hoạch từ mấy năm trước, nhưng vì nền kinh tế còn khó khăn nên Ngân hàng Nhà nước vẫn phải trì hoãn.

Trước vấn đề trên, đại diện Công ty Trung An đề xuất: “Đừng để một ngân hàng làm, ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước cùng làm, cùng vào cuộc. Cứ có đề án khả thi, quyết tâm làm thì ngân hàng sẽ đầu tư, không khó khăn gì. Lúa gạo hàng chục năm nữa vẫn là mặt hàng chiến lược, câu chuyện của thời đại. 1 triệu ha là cứu cánh của Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo ông Phạm Thái Bình, lúa gạo là thế mạnh lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là động lực vô cùng quan trọng để “vùng đất chín rồng” thay da đổi thịt. “Đảng ta nhìn ra và mạnh dạn quyết định có 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Do đó, liên kết này phải có bàn tay Nhà nước”, ông Bình kiến nghị.

CẦN CẢI THIỆN NĂNG LỰC QUẢN TRỊ, TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP

Ngay sau hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Đồng Tháp đầu tháng 11/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank và các ngân hàng khác cùng chung tay, đồng tài trợ để chia sẻ rủi ro. “Tới đây sẽ chỉ đạo thí điểm ở Công ty Trung An”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, thủy sản, rau quả.

Dẫu vậy, đồng tài trợ chỉ là một trong những giải pháp tình thế để hỗ trợ doanh nghiệp lúa, gạo tiếp cận vốn. Về lâu dài, các bộ, ngành và chính doanh nghiệp phải gấp rút và quyết liệt triển khai năng lực quản trị, tài chính để đa dạng hoá các kênh huy động vốn, nhằm hạn chế rủi ro cho chính doanh nghiệp và ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra thực trạng doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của ngân hàng do thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh kém khả thi và hạn chế về quản trị.

Đơn cử như trường hợp Công ty Trung An, mặc dù là công ty niêm yết nhưng Tổng giám đốc Phạm Thái Bình cho biết hiện nay đa số vốn tự có của doanh nghiệp là huy động từ các thành viên trong gia đình. Vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành lúa, gạo nâng cao năng lực quản trị, trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, dễ dàng huy động vốn trung, dài hạn từ thị trường chứng khoán? Đây là vấn đề cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành.

Cùng đó, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn. Liên kết giữa các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn vay. Bảo hiểm nông nghiệp, dù đã có chính sách, nhưng triển khai còn chậm, chưa được nhân rộng.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ cũng cần đảm bảo thu hồi vốn và muốn có lợi nhuận cao. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành lúa, gạo thì doanh nghiệp phái có tiềm lực tài chính vững mạnh, chỉ vốn tín dụng là không đủ”, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice, thẳng thắn nhìn nhận.

Tuy nhiên, về nhu cầu vốn trước mắt, ông Phạm Toàn Vượng cho biết Agribank sẽ triển khai thí điểm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2024 phát hành ngày 25/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải bài toán nguồn vốn để đánh thức “vùng đất chín rồng” - Ảnh 2

Xem thêm tại vneconomy.vn