Giao dịch chứng khoán sáng 5/8: Áp lực bán trên diện rộng, VN-Index chưa ngừng rơi

Thị trường chứng khoán dù đang trong mùa báo cáo bán niên không thực sự tích cực, nhiều doanh nghiệp ra tin tốt nhưng vẫn không kéo nổi giá cổ phiếu lao dốc. Những diễn biến xấu trên thị trường chứng khoán quốc tế do sự mất giá của cổ phiếu bigtech, xung đột địa chính trị có rủi ro leo thang, kinh tế Mỹ chậm lại,... bằng một cách nào đó lại tác động khá tiêu cực tới chứng khoán Việt Nam, dù mức độ liên thông khá thấp.

Chuyện này không phải chưa từng xảy ra, khi chứng khoán quốc tế tăng điểm lập hết kỷ lục này tới kỷ lục khác thì chứng khoán Việt khá "bình thàn", nhưng khi chứng khoán quốc tế rớt mạnh thì VN-Index lại cùng "nhịp thở". Với những phân tích thông thường thì lý giải điều này là khó, và nhiều chuyên gia cũng chỉ nhận định dừng ở mức "đây là hiện tượng đáng quan tâm khi đầu tư".

Phiên giao dịch đầu tuần ngày hôm nay cũng vậy, những thông tin phân tích không mấy tích cực vào cuối tuần đã được nén để bung ra trên bảng điện. Thị trường lao dốc mạnh ngay từ đầu phiên, rớt xuống dưới ngưỡng 1.210 điểm ngay khi mở cửa.

Sau khoảng hơn 90 phút giao dịch, sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo của thị trường. Bên cạnh thị trường chung chỉ còn vài chục mã ngược dòng thành công, trong nhóm VN30 cũng chỉ còn duy nhất MSN “chiến thắng” thị trường dù chỉ tăng chưa tới 0,5%.

Tâm lý thận trọng được thể hiện rõ qua mức thanh khoản khá thấp. Hiện trên bảng điện tử chỉ có vài ba mã có mức thanh khoản hơn 5 triệu đơn vị, đồng thời các nhóm ngành đều đang giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Tuy vậy, trong các nhóm ngành trụ cột vẫn có những điểm sáng nhỏ lẻ lói. Điển hình trong dòng bank, mặc dù đây là nhóm đang gây sức ép lớn nhất trên thị trường với 4 mã lớn của ngành là VCB, TCB, BID, CTG hiện đang lấy đi tới gần 4,5 điểm của chỉ số chung, thì EIB lại bất ngờ giao dịch khởi sắc và có thời điểm tăng hơn 4%, hiện đang tăng 2,8%.

Áp lực bán chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục khiến thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 395 mã giảm, gấp hơn 10 lần số mã tăng (38 mã), VN-Index giảm 24,38 điểm (-1,97%), xuống 1.212,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 280,8 triệu đơn vị, giá trị 6.599 tỷ đồng, giảm 4,16% về khối lượng và giảm nhẹ về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 2/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32 triệu đơn vị, giá trị 828,24 tỷ đồng.

Nhóm VN30 gia tăng sức ép lên thị trường chung khi toàn bộ đều chuyển đỏ và chỉ số nhóm này để mất gần 26 điểm, về mốc 1.255 điểm. Trong đó, bộ đôi ngân hàng là SSB và TCB giảm sâu nhất, lần lượt là 4,2% và 3,4%; còn MSN giảm ít nhất với 0,4%.

Đáng chú ý, trong top 10 mã tác động mạnh nhất tới thị trường, hàng loạt mã như TCB, BID, VCB, CTG, HPG, VIC, GVR và VHM đều lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung, tổng cộng tới hơn 9 điểm.

Xét về nhóm ngành, không có nhóm nào thoát khỏi áp lực điều chỉnh chung của thị trường. Trong đó, các nhóm trụ cột ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều thuộc top giảm mạnh.

Một số mã ngược dòng thị trường chung như EIB, FTS, CTS, BSI cũng đều thu hẹp biên độ, chỉ còn tăng trên dưới 1%.

Về thanh khoản, toàn thị trường chỉ có duy nhất HPG đạt hơn 10 triệu đơn vị, tương ứng là 11,73 triệu đơn vị.

Ngoài HPG, các mã bank vẫn giữ sức hút dòng tiền, với top 10 cổ phiếu dẫn đầu thị trường có sự góp mặt của MBB, VPB, SHB, TPB, TCB, ACB, STB.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh trên diện rộng cũng khiến HNX-Index lao dốc.

Chốt phiên, sàn HNX cũng chỉ có 33 mã tăng và 134 mã giảm, HNX-Index giảm 4,28 điểm (-1,85%), xuống 227,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,39 triệu đơn vị, giá trị 373,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,85 triệu đơn vị, giá trị 115,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng giảm mạnh khi để mất 12,5 điểm, với 27 mã giảm và chỉ còn 2 mã thoát hiểm thành công là HLD và LHC tăng trên dưới 1%.

Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, SHS giảm 3,9% và khớp 3,83 triệu đơn vị, CEO giảm 4,1% và khớp 3,54 triệu đơn vị, PVS giảm 2,5% và khớp 1,35 triệu đơn vị.

Điểm sáng là CMS tiếp tục duy trì đà tăng và chốt phiên tăng 9,5% lên mức giá trần 19.600 đồng/CP, khối lượng khớp hơn 0,62 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tràn ngập sắc đỏ và UPCoM-Index cắm đầu giảm mạnh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,77 điểm (-1,89%), xuống 92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,38 triệu đơn vị, giá trị 265,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 28,95 tỷ đồng.

Cặp cổ phiếu dầu khí là điểm sáng, trong đó BSR chốt phiên tăng 0,5% lên 22.200 đồng/CP và khớp hơn 4,33 triệu đơn vị; còn OIL tăng 0,7% và khớp 0,76 triệu đơn vị.

Ngoài BSR, cổ phiếu giao dịch sôi động trên thị trường có VHG khớp 3,45 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 5,3% lên mức 2.000 đồng/CP.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn