Giao dịch chứng khoán sáng 6/1: Dòng bank giúp thị trường hồi phục

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch không mấy tích cực, đặc biệt là phiên giảm khá mạnh vào cuối tuần ngày 3/1 đã khiến VN-Index lao thẳng vào vùng hỗ trợ quan trọng ngắn hạn quanh MA200 thuộc vùng biên độ hẹp 1.250 – 1.260 điểm.

Trong đó, bên cạnh những thông tin kém lạc quan như chỉ số PMI trong nước sụt giảm dưới mức 50 điểm trong tháng 12/2024, tâm lý bán ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán…, đặc biệt là diễn biến không thuận lợi như sự bật tăng mạnh mẽ của DXY, cũng như diễn biến chứng khoán toàn cầu chìm trong đà giảm điểm..., đã khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước tiêu cực và thị trường rung lắc mạnh để kiểm tra lại các vùng hỗ trợ dưới.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agriseco, ngoài áp lực về mặt tỷ giá, hiện thị trường không có áp lực trong nước nào đáng kể để khiến thị trường xảy ra bán tháo. Dự báo diễn biến tuần tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên đầu tuần sau khi đã xuất hiện mô hình 2 đỉnh. Mốc 1.250 điểm, tương ứng MA50 ngày sẽ là điểm đỡ ngắn hạn và có thể xuất hiện nhịp kiểm định. Đặc biệt, trong bối cảnh mặt bằng định giá P/E vẫn ở mức thấp so với cả năm 2024, kỳ vọng lực cầu trung hạn sẽ tham gia trở lại giúp chỉ số trở lại xu hướng tăng.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần 6/1, mặc dù tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường vẫn giao dịch khá chậm, nhưng sự hồi phục của các mã VN30, với tâm điểm là dòng bank, đã giúp VN-Index khởi sắc và nới nhẹ biên độ tăng sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc nhẹ.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, thị trường giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng, và chỉ số VN-Index tăng gần 5 điểm nhờ sự dẫn dắt của dòng bank. Dù không có sự bứt phá do lực cầu khá yếu, nhưng hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang được phủ bởi sắc xanh, ngoại trừ duy nhất ACB đang giảm nhẹ khoảng 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HAP và TMT tiếp tục duy trì sắc tím và đều trong trạng thái dư mua trần. Theo đó, TMT ghi nhận phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp, với tổng cộng mức tăng lên tới 70%; trong khi HAP xác nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến số mã giảm chiếm áp đảo, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường tạm khép lại phiên sáng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 139 mã tăng và 224 mã giảm, VN-Index tăng 1,61 điểm (+0,13%) lên 1.256,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,1 triệu đơn vị, giá trị 4.830,2 tỷ đồng, giảm 19,2% về khối lượng và 20,25% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 3/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,3 triệu đơn vị, giá trị 606,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng diễn biến kém tích cực khi chốt phiên có 16 mã giảm và 10 mã tăng, chỉ số nhóm này lùi về sát vạch xuất phát 1.320 điểm. Trong đó, các mã lớn ngân hàng vẫn là điểm tựa chính với BID chốt phiên tăng 1,6% và VCB tăng 1%. Ngoài ra, các mã bank khác như SHB, CTG, MBB, STB, TCB, VPB cũng đều tạm dừng trong sắc xanh.

Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng ACB điều chỉnh giảm 1% sau những tin đồn thất thiệt, hiện đang là mã giảm mạnh nhất của rổ bluechip, trong khi các mã khác chỉ giảm trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, TMT và HAP vẫn vững vàng sắc tím, trong đó HAP dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị, còn TMT dư mua trần gần 0,2 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cổ phiếu thị giá cao VTP. Sau tuần ngược dòng thị trường chung và tăng mạnh những ngày cuối năm 2024 - đầu năm 2025, cổ phiếu VTP vẫn duy trì sức nóng trong phiên sáng nay khi có thời điểm tiến sát mức giá trần. Tạm chốt phiên sáng, VTP tăng 5,9% lên mức đỉnh mới 152.700 đồng/CP và khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.

Ngoài VTP, các cổ phiếu khác trong họ Viettel cũng có diễn biến khởi sắc như CTR dù có chút rung lắc nhẹ nhưng chốt phiên tăng 2,1%, VGI và VTK trên UPCoM đều tăng nhẹ.

Xét về nhóm ngành, với điểm tựa từ cặp đôi lớn VCB và BID khi đóng góp tới gần 2,5 điểm cho chỉ số chung, dòng bank vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường giữ được sắc xanh, dù áp lực bán cũng khiến nhiều mã đảo chiều giảm nhẹ cùng ACB, như HDB, TPB, LPB, SSB, OCB. Trong đó, ACB giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 6,6 triệu đơn vị, ngoài ra SHB và MBB có thanh khoản khoảng 5 triệu đơn vị, cùng thuộc top 5 mã khớp lệnh lớn nhất thị trường.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán hầu hết đều đỏ điểm với HCM, SSI, VCI, VND, VIX, BSI, CTS đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%, VDS giảm 3,3%...

Nhóm bất động sản cũng điều chỉnh nhẹ, nhưng các mã đầu tư công có diễn biến tích cực hơn như VCG tăng 1,1%, HHV tăng 2,62%, KBC và LCG tăng nhẹ gần 1%.

Trên sàn HNX, sau diễn biến hồi phục và rung lắc nhẹ trong nửa đầu phiên, áp lực bán gia tăng trên diện rộng cũng đã khiến thị trường trở lại trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,23%) xuống 225,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,32 triệu đơn vị, giá trị 295,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,81 triệu đơn vị, giá trị 37,6 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó SHS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 2,57 triệu đơn vị và đóng cửa đứng giá tham chiếu 12.500 đồng/CP.

Tiếp theo là CEO khớp 1,38 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,5% xuống mức giá 12.800 đồng/CP; còn LAS khớp hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 3,8% xuống mức giá thấp nhất trong phiên là 20.100 đồng/CP.

Điểm sáng là cổ phiếu PLC khi tiếp tục có phiên ngược dòng ngoạn mục. Tạm dừng phiên sáng nay, PLC tăng hơn 7% lên mức giá 24.200 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong hơn 2 tháng qua của mã này; đồng thời thanh khoản cũng sôi động với hơn 0,6 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp đôi so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên giao dịch gần đây của mã này.

Trên UPCoM, thị trường cũng quay đầu giảm sau thời gian ngắn đầu phiên có những nhịp bật hồi nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,26%), xuống 94,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 14,57 triệu đơn vị, giá trị 166,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, đóng góp chưa tới 1 tỷ đồng.

Cặp đôi nhỏ BCR và HNG giao dịch sôi động nhất thị trường khi có khoảng 1,7 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, nhưng chốt phiên BCR giảm 2,2% xuống mức 4.500 đồng/CP và HNG giảm 2,7% xuống mức 7.100 đồng/CP.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn