Tín hiệu lạc quan từ khối tự doanh
Từ giữa tháng 10/2024, VN-Index đã giảm mạnh 100 điểm, từ vùng 1.300 xuống 1.200 điểm, trước khi hồi phục nhẹ lên gần ngưỡng cản 1.250 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lại ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng, liên tục bứt phá mạnh mẽ.
Những biến động toàn cầu như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc FED hạ lãi suất, và căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đang tạo ra tác động sâu sắc đến các thị trường. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư trong nước hết sức quan tâm đến diễn biến của VN-Index trong những tuần cuối năm 2024.
Nhận định về việc TTCK trong nước đang được cho là là khó vượt ngưỡng 1.300 điểm, ông Hà Tiến Hoàng – Chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, để nhìn nhận diễn biến TTCK Việt Nam trong năm 2024, cần chia thành hai giai đoạn rõ rệt.
Nguồn: VNDirect. |
Giai đoạn đầu, từ giữa tháng 11/2023 đến khoảng tháng 6/2024, thị trường chứng kiến xu hướng tăng mạnh, với VN-Index có thời điểm tăng tới 49,5%. Đà tăng này phản ánh sự dư thừa dòng tiền cuối năm 2023 cùng kỳ vọng phục hồi kinh tế, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên giảm lãi suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP không theo kịp, cho thấy động lực tăng chủ yếu dựa vào kỳ vọng hơn là nền tảng thực tế.
Bước sang 6 tháng cuối năm, thị trường đối mặt nhiều vấn đề, đặc biệt là sự thiếu hụt vốn cho sản xuất, tiêu dùng và đầu tư công. Đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt trên dưới 50%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trên 90%.
Dù thanh khoản hiện tại chưa đủ mạnh nhưng diễn biến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư lớn cho thấy dấu hiệu lạc quan. Tuy nhiên, nếu trạng thái thanh khoản yếu và biên độ giao dịch hẹp tiếp tục kéo dài, việc VN-Index bứt phá trên 1.300 điểm trước cuối năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. |
Điều này khiến VN-Index liên tục bị cản tại ngưỡng 1.300 điểm và điều chỉnh sau mỗi lần chạm ngưỡng này. Trạng thái giao dịch trong giai đoạn này chủ yếu mang tính tích lũy, với biên độ dao động hẹp từ 1.160 đến 1.300 điểm, tạo tâm lý chán nản cho nhà đầu tư khi lợi nhuận khó đạt. Đồng thời, sự hấp dẫn từ các kênh đầu tư khác như vàng, tiền điện tử hay bất động sản đã khiến dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán.
Thanh khoản thị trường cũng là một vấn đề lớn, khi khối lượng giao dịch giảm dần qua các lần VN-Index tiếp cận ngưỡng 1.300 điểm. Hiện tại, thanh khoản chỉ dao động khoảng 11.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên, không đủ mạnh để hỗ trợ vượt qua các mức kháng cự lớn.
Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực là giao dịch của khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài đang dần cải thiện. Mặc dù khối ngoại có đợt bán ròng mạnh trong tháng 11, xu hướng bán đã chững lại, và khối tự doanh bắt đầu tham gia tích cực hơn, tạo động lực ổn định cho thị trường.
Ngân hàng và bất động sản dẫn dắt
Mặc dù TTCK trong nước gặp khó khăn trong việc vượt ngưỡng 1.300 điểm, nhưng TTCK Mỹ lại liên tục thiết lập những đỉnh cao mới gần đây, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump đắc cử. Ông Đoàn Đức Thắng - Chuyên gia từ VDSC nhận định, sau 1 giai đoạn phục hồi mạnh mẽ từ thời điểm hậu Covid và kinh tế Mỹ trải qua suy thoái kỹ thuật năm 2023, thị trường đã đạt mức tăng trưởng đáng kể về cả giá cổ phiếu lẫn kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là sau khi phục hồi, động lực tăng trưởng tiếp theo nằm ở đâu thì đây là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.
Diễn biến TTCK hôm nay ngày 3/12/2024. Nguồn: KBSV. |
Nhìn vào bối cảnh chính trị toàn cầu và các sự kiện như bầu cử tại Mỹ vừa qua, vẫn chưa thấy những yếu tố chắc chắn, đặc biệt về chính sách kinh tế trong tương lai. Những biến số khó đoán như định hướng chính trị hay thuế quan của chính quyền mới khiến thị trường thiếu niềm tin để bứt phá. Điều này lý giải vì sao, trong khi TTCK Mỹ liên tục lập đỉnh mới từ đầu năm, VN-Index lại mãi chưa vượt qua ngưỡng 1.300 điểm.
Theo chuyên gia từ VDSC, khi so sánh, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong cơ cấu lợi nhuận và chiến lược phát triển là nguyên nhân chính tạo nên khoảng cách giữa hai thị trường. |
Về cơ cấu đóng góp lợi nhuận, phần lớn tăng trưởng trên thị trường Việt Nam đến từ nhóm ngân hàng và bất động sản. Ngành ngân hàng, với tính chất không chu kỳ, có lợi nhuận được "trải đều" nhờ cơ chế hạch toán từ các khoản vay. Trong khi đó, bất động sản lại mang đặc thù riêng là doanh nghiệp thường "găm" lợi nhuận và chỉ ghi nhận vào thời điểm thuận lợi hoặc cần thiết. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa báo cáo lợi nhuận và giá cổ phiếu, khiến giá trị thị trường không phản ánh đúng thực trạng.
Ngược lại, tăng trưởng của thị trường Mỹ được dẫn dắt bởi các lĩnh vực như công nghệ, viễn thông, dịch vụ tiện ích và tiêu dùng – những ngành mũi nhọn, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tăng trưởng này là thực chất, phản ánh cấu trúc lợi nhuận cân bằng và đồng đều giữa các ngành. Chính vì thế, thị trường Mỹ không ngừng lập đỉnh, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay tìm động lực bứt phá.
Về sức hút của TTCK Việt Nam, ông Thắng cũng cho biết, xác định chu kỳ của thị trường là yếu tố rất quan trọng trong đầu tư. Thực tế, không nên đầu tư khi nền kinh tế hoặc thị trường đã quá tốt, mà nên tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn khó khăn, biến động. Đây là lúc xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm năng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng hoặc thậm chí duy trì tăng trưởng bền vững. Thời điểm này mang lại cơ hội đầu tư dễ dàng hơn so với khi thị trường đã bước vào giai đoạn "uptrend".
Trong thị trường "uptrend", hầu như cổ phiếu và ngành nào cũng tăng, nhưng tham gia muộn có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ những cơ hội tốt nhất. Nhìn vào bảng phân phối lợi nhuận sau thuế của VN-Index, chuyên gia từ VDSC nhấn mạnh một nhóm ngành quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong VN30, đó là ngành ngân hàng. Đây là ngành không có tính chu kỳ, và hiện tại nhiều ngân hàng đang có mức định giá khá hấp dẫn, mở ra tiềm năng đáng chú ý cho các nhà đầu tư./.