Mặc dù phiên cuối tuần làm “đứt” chuỗi tăng liên tiếp 6 phiên, nhưng nhìn chung thị trường có một tuần giao dịch rất hứng khởi về mặt điểm số (tăng 1,9%) và thanh khoản cũng tăng từ mức trung bình quanh 15.000 - 20.000 tỷ đồng/1 phiên trong tuần này. Liệu đà tích cực này có nối tiếp trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Thị trường tăng điểm liên tiếp và khá trùng với số phiên của TTCK Mỹ có sự tương quan nhất định bên cạnh việc USDX yếu đi cũng hỗ trợ xu hướng tích cực. Tuy vậy, hiện VN-Index đang ở gần vùng kháng cự khá mạnh, có thể sang tuần tới sẽ giằng co ở mức này 1.250-1.260 và mất thời gian để vượt qua chứ khó mà vượt ngay được.
Như vậy, có thể thị trường cần có phiên giảm như phiên ngày thứ Sáu để chạy đà cho các mốc tiếp theo. Tuy nhiên, nếu giá khó lòng vượt qua thì thị trường có thể quay lại xu hướng giảm điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
TTCK vẫn đang thể hiện chuỗi phiên giao dịch tích cực cho dù phiên điều chỉnh thứ Sáu gây ra một ít sự lo lắng. Diễn biến vận động tăng giảm biên độ khu vực 1.240 – 1.250 điểm trong 1 số phiên trước khi vượt lên lên vùng 1.260 – 1.280 điểm đối với VN-Index có lẽ sẽ diễn ra trong tuần tới.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Tuần vừa qua là tuần tăng thứ ba liên tiếp của chỉ số tính từ đáy quanh 1.166 và hiện cũng đang vào vùng 1.250-1.280. Tín hiệu ba phiên giao dịch gần nhất đang tạo một vùng giằng co trong biên nhỏ 1.234-1.257 sau chuỗi tăng điểm.
Tôi cho rằng cần chú ý diễn biến trong vùng này. Nếu có phiên giảm thủng vùng giằng co nhỏ này thì khả năng điều chỉnh trở lại. Góc nhìn cá nhân của tôi thì có thể đà tăng sẽ khó tiếp nối trong tuần tới.
Một số nguồn tin cho rằng, số dư tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ghi nhận giảm so với giai đoạn đầu năm, một phần đến từ lãi suất tiền gửi thấp (dù lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã nhích nhẹ từ đầu tháng 5/2024) nên nhiều nhà đầu tư mong muốn tìm các kênh khác có hiệu suất sinh lợi tốt hơn. Liệu dòng tiền này có chảy sang kênh chứng khoán không, theo ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Có nhiều kênh khác cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đơn cử là vàng với giá liên tục lập các đỉnh mới. Bên cạnh đó, bất động sản vừa thoát khỏi vùng đáy nên còn khá thấp cũng dần thu hút dòng tiền. TTCK cũng sẽ được hưởng lợi nhưng thời gian qua dòng tiền dù có cải thiện nhưng không nhiều nên xu hướng tăng có thể chưa bền vững. Do đó thời gian tới cần quan sát dòng tiền tiếp theo để có thể đánh giá chính xác hơn.
Ông Phan Dũng Khánh |
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Dòng tiền vẫn ở trong các tài khoản chứng khoán và sẽ tiếp tục gia tăng giai đoạn tới. Giai đoạn biến động của TTCK giai đoạn vừa qua thanh khoản thấp không thể khẳng định dòng tiền lớn rút ra mà chỉ đơn giản là đang đợi chờ cơ hội. Lãi suất thấp như hiện nay sẽ vẫn kích thích dòng tiền lớn sẽ chuyển dịch dần sang kênh chứng khoán với tỷ lệ phù hợp hơn so với tiềm năng của TTCK Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo quan điểm của PHS, việc dòng tiền luân chuyển giữa các kênh đầu tư là điều hiển nhiên. Chúng tôi luôn tin tưởng kênh đầu tư chứng khoán đã, đang và sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng trong trung và dài hạn và số lượng nhà đầu tư chứng khoán cũng liên tục gia tăng trong giai đoạn gần đây, mặt bằng lãi suất huy động dù chứng kiến tăng nhẹ trong quý II nhưng dự báo vẫn sẽ ở mức thấp, vì vậy, tôi cho rằng xu hướng dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư triển vọng hơn vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Giá vàng trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới và tiếp tục lập kỷ lục mới trong tuần qua. Có thể lý giải như thế nào về sự biến động tăng “phi mã” của giá vàng và liệu điều này có mối liên hệ gì với TTCK không, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Các kênh khác nếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, dòng tiền như vàng hay bất động sản vừa mới ấm lên có thể ảnh hưởng các kênh khác như chứng khoán.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Giá vàng trong nước tăng cao chênh lệch lớn với giá vàng thế giới không có mối liên hệ gì với TTCK - Khía cạnh khác, các nhà đầu tư cũng có thể coi đó là 1 nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại kể cả các câu chuyện rủi ro địa chính trị, những vụ xung đột trên thế giới, lãi suất của các NHTW vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đây có lẽ không phải là lý do quan trọng khiến nhà đầu tư lo ngại. TTCK vẫn đang vận động trong xu hướng đi lên - sóng hồi của thị trường đã và đang diễn ra - VN-Index vượt lên khu vực 1.290 và vượt qua chỉ là câu chuyện thời gian.
Ông Lê Đức Khánh |
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Giá vàng trong nước hiện tại vẫn đang liên tục tăng và thiết lập các kỷ lục mới. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng tiếp tục chạm ngưỡng kỷ lục mới lên đến hơn 19 triệu/lượng.
Giá vàng chứng kiến mức tăng phi mã trong giai đoạn gần đây phần nhiều vì tâm lý của người dân. Thời gian qua, nhiều tiệm vàng đóng cửa để tránh các đợt thanh kiểm tra, thêm vào đó khối lượng đấu thầu vàng miếng thành công cũng chưa thực sự lớn, số lượng thành viên tham gia đấu thầu còn hạn chế. Giá vàng trên thế giới cũng ghi nhận các diễn biến tích cực.
Vàng và chứng khoán đều là các kênh đầu tư trên thị trường, có thể có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư, tuy nhiên theo tôi khối lượng này là không đáng kể nếu như so sánh với thanh khoản của thị trường chứng khoán. Vì vậy, tôi không đánh giá cao việc tăng giá gần đây của vàng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch lớn giữa vàng trong nước và thế giới.
Có thể thấy, ở bất cứ thời điểm nào thì việc nhìn vào từng nhóm cổ phiếu còn quan trọng hơn là theo tổng thể thị trường. Ở thời điểm hiện tại, ông/bà nhìn nhận nhóm cổ phiếu nào đang có nhiều cơ hội hơn?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhóm công nghệ (đặc biệt các công nghệ hot như AI), năng lượng (năng lượng xanh, sạch), vận tải (chú yếu vận tải hàng không) và các nhóm tiềm năng như bất động sản, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng...
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Các nhóm ngành công nghệ viễn thông, dầu khí, hóa chất, thép, cảng biển, tài chính...vẫn là những nhóm cổ phiếu ưu tiên trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng hiện tại nên nhìn nhận và tìm kiếm cơ hội theo từng nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng. Gần đây, thông tin Mỹ có cuộc điều trần nhằm xem xét công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường đã giúp cho nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, thép… được dòng tiền chú ý.
Ngoài nhóm xuất khẩu, tôi cho rằng một số nhóm cổ phiếu như nhóm xây dựng với câu chuyện về thúc đẩy đầu tư công và kỳ vọng sự hồi phục của thị trường bất động sản; hay nhóm chứng khoán với câu chuyện nâng hạng thị trường và nhóm điện với câu chuyện liên quan đến tăng giá điện và chuyển giao giữa các hình thái thời tiết sẽ là các câu chuyện có thể chờ đợi trong giai đoạn còn lại của quý II.