Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhìn lại dòng bank, điểm tên những nhóm cổ phiếu "ăn theo" mùa Đại hội cổ đông

Áp lực chốt lời tăng mạnh, đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường khiến thị trường có phiên “đỏ lửa” cuối tuần qua. Ngoài ra còn đến từ những nguyên nhân nào nữa, theo các ông/bà? Liệu các phiên điều chỉnh có tiếp diễn trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Theo tôi có các lý do khiến thị trường phiên 8/3 đỏ lửa là: Lực bán khi đã tăng 4 tháng và đạt mức tăng hơn 250 điểm, Chạm kháng cự, Dấu hiệu bán kỹ thuật, Hiệu ứng thứ Sáu.

Thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh nhưng không nhiều khi xu hướng trung hạn vẫn là tích cực.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại khi tỷ giá có những diễn biến phức tạp, khối ngoại và tự doanh đẩy mạnh đà bán ròng trong tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh hoạt động chốt lời và khiến cho thị trường ghi nhận nhịp giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm.

Việc chỉ số hình thành mẫu nến Marubozu tiêu cực về cuối phiên cho thấy phe bán vẫn đang chiếm ưu thế và rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh là hiện hữu.

Mặc dù vậy, ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.230 (+-5) điểm, tương ứng với MA20 trên khung ngày, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý và chỉ số sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Áp lực bán xuất hiện mạnh phiên 8/3 đến từ nhiều yếu tố, đầu tiên là có tin đồn về việc NHNN sẽ hút tiền về với một con số không nhỏ. Điều này ngay lập tức tác động đến tâm lý của nhà đầu tư vốn dĩ đang rất thận trọng với kịch bản đảo chiều giảm ngắn hạn.

Thực tế nhiều nhà đầu tư đều nhận thấy thị trường vừa qua tăng điểm có sự trợ giúp lớn bởi nhóm LargeCap đồng thời lại vượt đỉnh cũ gần nhất 1.250 điểm, tiệm cận kháng cự 1.300 điểm nên lực bán xuất hiện mạnh là dễ hiểu.

Mùa ĐHCĐ năm nay sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt ở sự phục hồi chung của các ngành nghề cũng như chuyển động riêng ở từng doanh nghiệp. Nếu lựa chọn đầu tư “ăn theo” thông tin mùa ĐHCĐ năm nay, ông/bà nhìn nhận cổ phiếu/nhóm ngành nào đáng quan tâm?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Theo tôi, các nhóm ngành đáng quan tâm là Tài chính Ngân hàng – Chứng khoán, Công nghệ, Năng lượng, Hàng tiêu dùng, Bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Một trong số các thông tin thường được các nhà đầu tư quan tâm khi mùa ĐHĐCĐ đến gần đó là việc phát hành cổ phiếu tăng vốn. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn cho vay trong trung và dài hạn cũng như TTCK đang có những diễn biến khởi sắc hơn trong 3 tháng đầu năm, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán được kỳ vọng sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý cũng như dòng tiền của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, có thể thấy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản và xuất khẩu đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đà tăng mạnh của lãi suất trong năm 2023.

Việc đặt ra kế hoạch tăng trưởng trở lại trong năm nay được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực và thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội

Một vài thông tin gần đây cho thấy nhóm ngành Xuất khẩu như thủy sản, dệt may, da giày… đang có nhiều đơn hàng hơn đang mở ra kỳ vọng mới cho năm 2024. Một số Công ty cũng đã có kế hoạch năm 2024 tăng trưởng tích cực như STK, MBB… mặc dù chúng ta chưa rõ ràng với kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản ra sao.

Tuy nhiên, đánh giá về tổng quan cần nhận thấy rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang có nhiều khó khăn, châu Âu đang vướng nhiều vào biểu tình, lạm phát… và được dự báo kinh tế sẽ giảm.

Ngược lại Mỹ và 1 số nước lớn châu Á như Ấn Độ, Indonesia đang có thuận lợi nhất định thì Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản còn có những khó khăn riêng. Vì thế, chúng ta cần có cái nhìn thật tổng quan và kỳ vọng cần có cơ sở.

Nhà đầu tư dường như quan tâm đến mùa ĐHCĐ chỉ ở mấy khía cạnh kế hoạch lợi nhuận tăng cao, cổ tức và bán vốn hay hợp tác nào đó hơn.

Dòng tiền vào của thị trường chứng khoán đang khá mạnh và được duy trì chứ không mang tính quá ngắn hạn như các giai đoạn trước. Ngoài ra giai đoạn khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã qua đi và đó là cơ sở hỗ trợ cho mặt bằng giá hiện tại của thị trường. Nhóm ngân hàng được coi là “gánh team” cho thị trường thì cũng là nhóm “tác nhân” khi đã đồng loạt điều chỉnh ở phiên cuối tuần. Ở thời điểm hiện tại, ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội/rủi ro đối với nhóm ngân hàng, nhìn cả ngắn hạn và dài hạn?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Trong ngắn hạn nhóm này có thể bị áp lực chốt lời khi đang là nhóm dẫn dắt thị trường, do đó có thể sẽ có sự điều chỉnh nhất định tuy nhiên trong cần quá lo lắng vì dòng tiền sẽ tìm đến các nhóm ngành khác, đặc biệt chưa tăng trong thời gian qua khi nhóm Ngân hàng làm mưa làm gió trên thị trường.

Về dài hạn nhóm Tài chính Ngân hàng vốn là trụ cột của thị trường cũng như nền kinh tế, do đó khi nền kinh tế đang có nhiều hứa hẹn tăng trưởng thì nhóm này về lâu dài vẫn luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Mặc dù ngành ngân hàng đã ghi nhận một nhịp tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm, các NHTM lớn hầu hết đang được giao dịch với P/B trong khoảng từ 1,1-1,6 lần. Đây là vùng định giá khá thấp so với mức trung bình trong 5 năm trở lại đây của toàn ngành trong khi kết quả kinh doanh nhìn chung vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, việc NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ thời điểm đầu năm đang tạo điều kiện và sự chủ động cho các NHTM trong việc cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh kỳ vọng hồi phục trở lại sau dịp tết nguyên đán sẽ giúp cho nhu cầu tín dụng ấm dần lên và tăng trưởng trở lại sau khi sụt giảm 0,6% trong tháng 01/2024.

Do đó, tôi duy trì đánh giá “Khả quan” đối với triển vọng của ngành ngân hàng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến việc thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, nhiều khoản vay bằng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm nay, rủi ro nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng gia tăng có thể gây áp lực lên nhóm ngành này trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội

Nói chung tôi cho rằng thị trường giai đoạn này là khó, việc sử dụng nhóm vốn hóa lớn để giữ điểm số hay kéo chỉ số thường cho thấy những cổ phiếu khác chưa có điểm nhấn để mua. Những doanh nghiệp nào làm ăn tích cực hoặc có thông tin hỗ trợ là giá cổ phiếu tăng mạnh, mặc dù định giá đang cho thấy không còn rẻ. Ví dụ như DGC đang gần chạm đỉnh cũ nhưng lợi nhuận năm 2023 và 2024 chỉ bằng 1/2 so với thời đỉnh. Giá cổ phiếu DGC tăng mạnh nhờ yếu tố dự án Nghi Sơn và AI, tuy nhiên việc mang lại lợi thế chưa có gì lớn khi doanh nghiệp này đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 tương đương với năm 2023.

Thứ 2 nữa nếu nhìn lại cả chuỗi tăng từ năm 2023 đến nay cho thấy năm 2023 nhiều nhóm cổ phiếu Midcap tăng mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu tăng vượt đỉnh 2021. Đến năm 2024 còn duy nhất nhóm Ngân hàng và một số cố phiếu lớn như VIC, VHM, MSN, VNM … là chưa tăng nên đã đồng loạt tăng. Vì thế tôi cho rằng thị trường cần có sự điều chỉnh và phù hợp hơn với định giá.

Các pha điều chỉnh cũng là cơ hội để giảm sức nóng của đà tăng cũng như tạo được tâm lý ổn định và cơ hội cho các vị thế mua mới. Vậy đâu là chiến lược ông/bà đang lựa chọn? Cũng như tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt như thế nào được xem là hợp lý ở giai đoạn hiện nay?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh
Ông Phan Dũng Khánh

Không bao giờ có công thức làm giàu chung cho cả triệu nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư cần phải có chiến lược riêng phù hợp với khả năng, kinh nghiệm, tài chính của bản thân. Do mỗi nhà đầu tư có vị thế, độ chịu đựng rủi ro, nhu cầu hay vốn đều rất khác nhau.

Do đó với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền cao, không margin có ý định đầu tư trung hạn trở lên có thể tích lũy những cổ phiếu nền tảng và hạn chế đầu tư những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ.

Còn nhà đầu tư thích lướt sóng ngắn hạn, còn tiền và không margin có thể ưu tiên hàng có sẵn để lướt sóng với tỷ trọng vừa phải nhưng phải có khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Đồng thời nên giữ tỷ trọng cổ phiếu chiến lược trung và dài hạn quanh 50% tổng danh mục đầu tư.

Còn những nhà đầu tư full margin, full hàng thì nên tranh thủ tái cơ cấu mỗi khi thị trường tăng điểm để giảm tỷ trọng margin.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Đà giảm điểm của chỉ số trong tuần qua chủ yếu đến từ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã ghi nhận một nhịp tăng khá dốc trong thời gian vừa qua. Do đó, tôi cho rằng “phân hóa” sẽ tiếp tục là diễn biến chủ đạo của thị trường trong tuần tới với đà tăng/giảm là không đồng đều giữa các nhóm ngành và giữa từng mã cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng tỷ trọng các vị thế trading ngắn hạn, ưu tiên các mã cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục và các cổ phiếu đang được giao dịch gần vùng nền giá tích lũy.

Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế việc sử dụng margin ở thời điểm hiện tại cũng như duy trì một lượng tiền mặt khoảng 30% để chờ đợi các cơ hội giải ngân thích hợp trong kịch bản nhịp điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội

Thật khó để nói về điều này, cơ bản mỗi người cần phải có kế hoạch cụ thể và không nên quá kỳ vọng rồi sử dụng đòn bẩy lớn. Nhiều khi thị trường sau điều chỉnh, giá nhiều cổ phiếu lại tăng mạnh nhưng những người sử dụng đòn bẩy lớn hầu hết đều gặp áp lực và thua lỗ.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn