Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024, do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức sáng ngày 18/4, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, xử lý nợ xấu tại các TCTD thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực và Luật TCTD mới được thông qua, một số nội dung xử lý nợ xấu không được quy định trong luật. Theo đó, việc góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ giúp các TCTD trong vấn đề thu hồi nợ và cao hơn là ý thức trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ.
Cụ thể, ông Hùng nêu ba vấn đề chính:
Một là, thu giữ tài sản đảm bảo gần như không thực hiện được và một trong những nguyên nhân quan trọng là ý thức trả nợ rất kém. Nợ xấu trong những tháng đầu năm 2025 đã tăng so với cuối năm 2024 khoảng 34.000 tỷ đồng. Con số nợ xấu có thể chưa phải là lớn nhưng cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng rất kém. Khách hàng tự trả nợ chỉ chiếm 3-6%, ngân hàng xử lý bằng nguồn dự phòng khoảng 48%, hay nói cách khác các ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng.
“Tổ chức thi hành án được khoảng 7.000 tỷ đồng trong hàng triệu tỷ đồng nợ xấu là quá nhỏ bé”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ hai, vấn đề kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu. Trường hợp tài sản bảo đảm là tiền trên tài khoản, tiền gửi tiết kiệm… là tài sản bảo đảm vẫn có thể bị cơ quan thuế yêu cầu phải trích chuyển để thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Cần thiết phải quy định rõ để có cơ chế bảo vệ quyền lợi của TCTD đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm đang nợ thuế.
Tài sản đảm bảo của các TCTD được xem xét không phải kê biên trừ những vấn đề mang tính “cấp bách” và phải được sự đồng ý của TCTD mới được kê biên. Nếu không, những tài sản đảm bảo đã thế chấp là ngân hàng đương nhiên được xử lý.
Thứ ba, về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vụ việc vi phạm hành chính. Thực tiễn phát sinh rất nhiều vụ án mà tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, cá nhân bị kê biên/áp dụng biện pháp ngăn chặn/ dừng giao dịch. Theo đó, việc giải quyết các tài sản này được xử lý theo quy trình tố tụng bị kéo dài nhiều năm, tài sản bị tồn đọng rất lâu mà không thể xử lý gây ảnh hưởng rất lớn đến các TCTD.
“Do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét trường hợp tài sản bảo đảm không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, tài sản được hình thành hợp pháp, được hình thành từ vốn vay của các TCTD hoặc không phải do tội phạm mà có thì xem xét giải tỏa kê biên, giải tỏa biện pháp ngăn chặn, bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý, kịp thời thu hồi vốn”, ông Hùng nói.
Quan trọng nhất, ông Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ, xoá bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ, tìm mọi cách để không bàn giao tài sản, tìm mọi cách để xin miễn lãi, thậm chí vay để trả gốc và cũng không muốn trả lãi trong khi đó tài sản rất lớn.
Đại diện đến từ Techcombank, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Thu Lan chia sẻ, người dân gửi hàng triệu tỷ đồng vào ngân hàng và trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý. Ngân hàng làm không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và không phải muốn làm gì thì làm. Trong quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu đều được làm rất cẩn trọng bởi tất cả các ngân hàng đều biết, bất kỳ một sai sót nào liên quan đến bán đấu giá tài sản, thu hồi nợ… sẽ mang đến hậu quả rất lớn. Còn trong trường hợp khách hàng có khả năng hoàn trả nợ, thì ngân hàng đều hỗ trợ bằng được để khách hàng trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Pháp chế Sacombank nói: “Chúng tôi không đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng”.
Theo ông Hùng, ngành ngân hàng trước tiên phải cho vay đúng, nếu cho vay sai thì phải chịu trách nhiệm nhưng cũng nhìn nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng là nơi cung cấp vốn chính của nền kinh tế. Thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng vay không trả nợ chỉ là một biện pháp để bảo đảm quyền lợi không riêng ngân hàng mà là đảm bảo an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn của người gửi tiền và rộng hơn là đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ của nền kinh tế.
“Quan trọng nhất là hài hoà lợi ích”, ông Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nêu quan điểm: “Xử lý nợ xấu, nếu đơn thương độc mã sẽ không thể giải quyết được vấn đề”.