Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG giúp VN-Index trở lại vùng 1.265 điểm

Sau giao dịch nhạt nhòa trong phiên sáng, với chỉ lác đác vài điểm nhấn từ các mã nhỏ, thị trường bước vào phiên chiều dần được kéo lên ngưỡng trên 1.265 điểm khi bảng điện tử cân bằng hơn và trên hết là hai trụ cột lớn VCB và CTG nới đà tăng, dù mức tăng không quá ấn tượng.

Dù vậy, dòng tiền vẫn yếu, nếu như không tính đến thỏa thuận từ khối ngoại cổ phiếu MSN thì thanh khoản vẫn nằm trong số những phiên rất thấp và khi hai trụ cột trên hết đà, thị trường đã ngay lập tức chững lại và lùi nhẹ về dưới mốc điểm trên khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 199 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 5,85 điểm (+0,46%), lên 1.264,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 614,2 triệu đơn vị, giá trị 18.053,4 tỷ đồng, tăng hơn 14% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 145,1 triệu đơn vị, giá trị 7.082 tỷ đồng, với chủ yếu là hơn 76,38 triệu cổ phiếu MSN, trị giá 5.614 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc tháng 10 này, chỉ số VN-Index giảm hơn 23 điểm từ mức gần 1.288 điểm từ cuối tháng 9, tương đương giảm 1,82%.

Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và CTG và cũng là những mã lớn nhất thị trường đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 4 điểm tích cực. Trong đó, CTG +2,73% lên 35.700 đồng, khớp 8,4 triệu đơn vị, còn VCB +2,1% lên 93.600 đồng, khớp 2,88 triệu đơn vị.

Phần còn lại ở các bluechip phân hóa và ít thay đổi về giá, với SHB, VPB, BCM, VJC, STB, ACB, VIC nằm trong số những mã tăng tốt nhất, nhích 1% đến 1,3%. Trái lại là HPG, TCB, PLX, HDB khi giảm 0,4% đến 1%, cùng VRE và MSN giảm 1,9%.

Thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu sàn vẫn là cổ phiếu VHM, với 23,7 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu đảo chiều tăng, dù chỉ +0,9% lên 41.500 đồng.

Theo sau trên sàn vẫn là các cổ phiếu ngân hàng với VPB, STB và TPB khớp 13,9 triệu đến 19,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngoài CIG đã chạm giá trần tại 7.690 đồng thì phiên chiều nay còn có thêm PSH và TCO cũng tìm được sắc tím tại 3.600 đồng và 17.250 đồng, khớp 0,37 triệu đến 0,95 triệu đơn vị.

Những cái tên khác tăng đáng kể có CKG +6,4% lên 26.600 đồng, QCG +6,3% lên 11.900 đồng, VFG +4,3% lên 87.600 đồng, HVN +4% lên 23.250 đồng, TLD +3,9% lên 5.940 đồng. Trong đó, cổ phiếu HVN khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, mức cao nhất trong một tháng qua.

Ở chiều ngược lại, một số cái tên giảm đáng chú ý như TMT về giá sàn -6,9% xuống 6.470 đồng, DLG -4,9% xuống 1.930 đồng, KPF -3,9% xuống 1.710 đồng, DPG -3,2% xuống 51.300 đồng, TLH -3,1% xuống 4.980 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã bật lên khi các mã lớn đảo chiều tăng và cũng có nhịp hạ độ cao vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,22%), lên 226,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 36 triệu đơn vị, giá trị 585,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 30,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHS, TNG, IDC, PVI, BAB đều đảo chiều tăng, dù mức tăng còn khiêm tốn. Trong khi MBS, HUT, VCS và CEO chỉ giảm nhẹ.

Các cổ phiếu nhỏ vẫn thu hút nhà đầu tư hơn, với NRC là điểm nhấn khi chạm giá trần +7,7% lên 4.200 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị, DL1 +4,9% lên 6.500 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị, TVC +4% lên 10.300 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị, TIG +3,1% lên 13.400 đồng, khớp 3,44 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã có đợt hồi phục vào cuối phiên, dù chỉ đủ giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 92,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 367,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,8 triệu đơn vị, giá trị 73,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG chạm giá trần tại 1.800 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị và có lẽ là mã đáng kể nhất trong số những cái tên khớp lệnh cao nhất UpCoM.

Trong khi đó, BSR -1,4% xuống 21.200 đồng, thanh khoản cao nhất khi có tới hơn 7,02 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2411 tăng 1,5 điểm, tương đương 0,11% lên 1.343,5 điểm, khớp lệnh hơn 202.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế khá lớn trong số những mã thanh khoản cao, nhưng mã khớp lệnh cao nhất và vượt trội với 7,51 triệu đơn vị là CVNM2403 lại giảm, mất 33,3% về 20 đồng/cq. Theo sau là CVHM2404 với 5,5 triệu đơn vị và tăng 26,1% lên 580 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn