Nguyên nhân đình chỉ giao dịch được HNX đưa ra chủ yếu do các doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên. Trong số các doanh nghiệp, nổi tiếng nhất phải kể đến Công ty Cổ phần Hùng Vương (gọi tắt Thủy sản Hùng Vương), doanh nghiệp từng đứng vị trí số 1 trong ngành xuất khẩu cá tra ở Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính công bố gần nhất, tính đến cuối tháng 9/2019 (năm tài chính của Thủy sản Hùng Vương), tổng tài sản của công ty đạt xấp xỉ 8.025 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 3.700 tỷ đồng cùng với 1.650 tỷ đồng hàng tồn kho.
Nợ phải trả chiếm hơn 7.100 tỷ đồng, trong đó 97% là nợ ngắn hạn. Công ty cũng ghi nhận hơn 1.560 tỷ đồng nợ quá hạn, đa số là đến từ các công ty thủy sản. Tính đến ngày 30/9/2019, giá trị đầu tư của Thủy sản Hùng Vương tại các công ty liên doanh và liên kết là 625 tỷ đồng, so với giá gốc đầu tư giảm hơn 150 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Thủy sản Hùng Vương đạt gần 1.500 tỷ đồng, đặc biệt dòng tiền cho hoạt động kinh doanh và đầu tư chuyển sang âm nặng.
Tình hình kinh doanh bết bát của Thủy sản Hùng Vương cũng là bài học cho nhiều doanh nghiệp về việc làm ăn “vung tay quá trán”. Được thành lập năm 2003 tại tỉnh Tiền Giang, với vốn điều lệ 32 tỷ đồng, Thủy sản Hùng Vương từng vươn lên mạnh mẽ, vượt qua Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) để trở thành đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2008-2009.
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT của Hùng Vương - từng đưa doanh nghiệp lên vị trí dẫn đầu trong ngành xuất khẩu cá tra. |
Trong giai đoạn hoàng kim, thủy sản Hùng Vương có khối tài sản vào khoảng 10.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay được giữ mức khoảng 45% tổng tài sản với khả năng thanh toán tốt. Cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu gấp 3 lần vốn điều lệ, nguồn vốn thặng dư luôn ở mức cao cho việc phát triển sản xuất. Cổ tức bằng tiền duy trì đều đặn từ 10% mỗi năm. Từ sau khi cổ phần hóa, doanh thu HVG tăng trưởng bằng lần mỗi năm và chính thức đạt đỉnh vào năm 2016 với 17.900 tỷ đồng.
Chính nguồn tiền lớn này đã khiến Thủy sản Hùng Vương vung tay vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành cũng như mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh khác như mua Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), mua Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC) hay như thành lập công ty con Hùng Vương Sông Đốc, Hùng Vương Bến Tre, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn, bóng đá…
Điều này khiến tài sản tăng nhưng cũng đẩy nợ phải trả tăng tương ứng. Nợ vay lớn dẫn đến chi phí lãi vay cao, dao động 200 - 500 tỷ đồng mỗi năm đã dần ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Năm 2019, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT của Hùng Vương - phải thừa nhận "đó là một năm đầy rẫy những khó khăn", khi doanh nghiệp phải chịu cú sốc nhận mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và giá cá tra rớt mạnh. Từ đó, Thủy sản Hùng Vương chỉ còn là "ngôi sao" vang bóng một thời.
"Siêu cổ" không chịu công bố thông tin
Một cổ phiếu khác của ngành thủy sản cũng bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch trong đợt này là mã AVF của Công ty Cổ phần Việt An (An Giang).
Đến nay, công ty này mới chỉ công bố báo cáo tài chính đến quý III/2020. Theo báo cáo, hoạt động kinh doanh của Việt An liên tục thua lỗ từ năm 2014 đến nay. Tính đến hết quý III/2020, doanh thu của công ty giảm mạnh, chỉ đạt 7,5 tỷ, giảm 3 lần so với năm 2019. Kết quả, AVF lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng.
Danh sách các cổ phiếu vừa bị tạm đình chỉ giao dịch. |
Vốn chủ sở hữu tính đến 30/9/2020 của công ty âm 1.960 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 2.407 tỷ đồng cao gấp 5,5 lần vốn điều lệ.
Tháng 6/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với Lưu Bách Thảo - nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt An - cùng 5 đồng phạm về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết quả điều tra, từ năm 2010-2014 Công ty cổ phần Việt An do Lưu Bách Thảo - nguyên Tổng Giám đốc; Ngô Văn Thu - Tổng Giám đốc Việt An cùng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh, Công ty TNHH Minh Giàu lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỉ đồng của Vietcombank chi nhánh An Giang.
Theo quyết định của HNX, một loạt cổ phiếu “họ” Sông Đà từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán một thời như S27, S96, SD1, SD8, SDB, SDX, STL cũng bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch. Các mã cổ phiếu này từng được các hội, nhóm ví như "siêu cổ phiếu" khi tăng đột biến, nhưng trong thời gian dài vừa qua gần như không có giao dịch. Cùng với đó các cổ phiếu hiện đều có giá siêu rẻ, chỉ từ vài trăm đồng đến một vài ngàn đồng/cổ phiếu.
Theo HNX, tính đến ngày 15/12, trên UPCoM có 44 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Hiện tình trạng vi phạm công bố thông tin diễn ra khá phổ biến và việc không công bố báo cáo tài chính kiểm toán nhiều năm được xem là vi phạm nghiêm trọng. Thống kê của Thanh tra - Giám sát Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, chỉ trong hơn một tháng, từ đầu tháng 11 đến nay, đã có hơn 20 quyết định xử phạt doanh nghiệp không công bố thông tin hoặc công bố nhưng sai lệch.