Hãng dược Nhật Bản muốn nâng sở hữu tại Dược Hà Tây lên 35%
Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (mã DHT-HNX) mới đây công bố thông tin nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai của ASKA PHAMACEUTICAL CO.,LTD.
Theo đó, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đăng ký chào mua 9.000 cổ phiếu DHT. Nếu thành công, cổ đông lớn nhất tại Dược Hà Tây sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 28,811 triệu cổ phiếu, chiếm 34,99% lên 28,820 triệu cổ phiếu, chiếm 35,001% vốn điều lệ tại DHT
Trước đó vào đầu năm 2021, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Hoàn tất, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này.
Cuối năm 2023, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) tiếp tục hoàn tất mua vào 8,4 triệu cổ phiếu DHT. Sau giao dịch, ASKA nâng sở hữu từ 18,4 triệu cổ phiếu, chiếm 24,9% vốn lên mức gần 27 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 32,56% vốn.
Được biết, đây là đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của DHT, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 8,4 triệu đơn vị và ASKA là đối tượng duy nhất tham gia mua toàn bộ.
Mức giá chào bán theo phương án công bố là 21.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền tổ chức đến từ Nhật Bản phải chi ra vào khoảng 181 tỷ đồng tỷ đồng. Lượng cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
Qua đó, vốn điều lệ của DHT tăng lên mức 8.234 tỷ đồng sau khi hoàn tất chào bán. Theo kế hoạch sử dụng vốn thu về, Dược Hà Tây dự kiến chi 78 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar, còn lại hơn 102 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính.
Về kết quả kinh doanh bán niên 2024, DHT báo lãi sau thuế hợp nhất đạt 34,58 tỷ đồng, giảm 35,26% so với cùng kỳ (53,42 tỷ đồng) là do lợi nhuận gộp 6 tháng năm 2024 giảm 7,08% so với cùng kỳ còn 100,89 tỷ; Chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng năm 2024 tăng 43,93% lên 49,43 tỷ do phát sinh chi phí vận hành liên quan của nhà máy mới CNC Hataphar.
Năm 2024, Dược Hà Tây đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.769 tỷ đồng, giảm 147 tỷ đồng so với thực hiện ở năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 78,5 tỷ đồng, giảm 20 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo cho biết, Dược Hà Tây đang hướng tới mục tiêu trong top 2 công ty dược nội địa có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong năm nay.
Như vậy, Sau 6 tháng đầu năm, DHT đã hoàn thành 56,5% kế hoạch doanh thu và 54,4% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6, Tổng tài sản của DHT đạt hơn 1.765 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.838 tỷ đồng hồi đầu kỳ. Nợ phải trả hơn 709 tỷ đồng, phần lớn trong số đó là mục nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu lùi nhẹ so với số đầu năm, đạt 1.056 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối khoảng 81,2 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/8, giá cổ phiếu DHT giảm còn 69.300 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 6% so với vùng đỉnh lịch sử được lập trong phiên 17/7 vừa qua (74.000 đồng). Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây hơn 34.000 đơn vị.
Xem thêm tại vneconomy.vn