Hàng không, đường sắt, đường biển đều báo lãi; Thép Tiến Lên lại lùi
Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines lãi đậm, Pacific Airlines cũng có lãi
Trong bối cảnh giá vé nội địa neo cao, bay quốc tế phục hồi, các hãng hàng không đều báo lãi.
Pacific Airlines, hãng bay giá rẻ của Vietnam Airlines, đã có quý lãi sau khi lỗ liên tục kể từ khi Covid-19 |
3 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ VietnamAirlines thu hơn 22.100 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Đồng thời, hoạt động khai thác bay quốc tế của hãng đã phục hồi. Trong quý I/2024, bay quốc tế chiếm gần 65% tổng doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines - tiệm cận tỷ trọng cùng kỳ năm trước đại dịch 2019.
Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng quý I. Trong kỳ này, hãng hàng không quốc gia cũng ghi nhận thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng. Theo giải thích của Vietnam Airlines, khoản thu tăng đột biến này do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Nhờ đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietnam Airlines hơn 4.528 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này. Trước đây vào thời kỳ đỉnh cao nhất giai đoạn 2017-2019, hãng cũng chỉ trước thuế lãi hợp nhất hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đến hết 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng công ty vẫn lỗ lũy kế trên 36.700 tỷ đồng - giảm khoảng 4.330 tỷ so với cuối năm 2023.
Vietnam Airlines báo lãi kỷ lục trong bối cảnh các hãng hàng không trong nước khác cũng "bội thu" quý đầu năm. Vietjet lãi hợp nhất gần 540 tỷ đồng khi doanh thu vận chuyển hàng không tăng 38% so với cùng kỳ lên 17.765 tỷ đồng.
Vietravel Airlines đạt doanh thu hơn 490 tỷ đồng trong quý I, giúp lãi ròng hơn 10 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên hãng hàng không lữ hành này có lãi 3 tháng liền kể từ khi cất cánh đầu năm 2021.
Không công bố số liệu chi tiết nhưng Vietnam Airlines cho biết Pacific Airlines cũng có lãi. Trước đó, hãng bay giá rẻ của Vietnam Airlines chưa quý nào ghi nhận lợi nhuận dương kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm
Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt doanh thu quý I hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.
Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) |
Ban lãnh đạo SRT cho biết trong quý I, công ty đổi mới về phương thức kinh doanh gồm xây dựng kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé, giá vé hợp lý. Thêm vào đó, nhu cầu đi lại của hành khách cũng tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp Tết nguyên đán.
Tương tự, HRT ghi nhận doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 59 tỷ đồng, đóng góp gần hai phần ba mức tăng trưởng của tổng doanh thu. Ngoài ra, công ty còn có nhiều biện pháp giúp kiểm soát chi phí, nhất là chi phí tài chính.
Chỉ sau ba tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. Năm nay, hai doanh nghiệp lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao. Do đó, họ đề ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Riêng SRT còn cho rằng ngành đường sắt dễ bị cạnh tranh bởi các phương tiện khác, đặc biệt là hàng không, trong khi năng lực nội tại của ngành chưa có chuyển biến khả quan.
Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.
Trong khi đó SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lãi ròng hơn 342 tỷ trong quý đầu năm
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) vừa công bố BCTC quý 1/2024 với lãi ròng hơn 342 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng hải và hoạt động vận tải tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu VIMC |
Theo BCTC quý 1/2024, hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng hải và hoạt động vận tải tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu VIMC, lần lượt mang về 1,703 tỷ đồng và 1,084 tỷ đồng, tương ứng tổng tỷ trọng hơn 77% doanh thu. Mặt khác, doanh thu từ 2 hoạt động này cũng tăng lần lượt 17% và 1% so với cùng kỳ năm trước.
Sau giảm trừ, doanh thu thuần VIMC hơn 3,596 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm 2,6 điểm phần trăm, còn 20,2%, chủ yếu do biên của hoạt động vận tải suy giảm 1,8 điểm phần trăm, trong khi hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng hải chỉ nhích nhẹ 0,8 điểm phần trăm. Qua đó, Vinalines lãi gộp hơn 726 tỷ đồng, tăng 12%.
Hoạt động tài chính là điểm sáng với doanh thu gần 169 tỷ đồng, tăng 47%, nhờ tăng mạnh lãi bán các khoản đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá trong kỳ và đánh giá lại số dư cuối kỳ. Trong khi đó, chi phí giảm đến 21% còn hơn 75 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí lãi vay. Với những kết quả này, VIMC lãi từ hoạt động tài chính đến 93 tỷ đồng, gấp 4.8 lần cùng kỳ.
Một yếu tố khác hỗ trợ tăng trưởng là phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng đến 95%, đạt hơn 40 tỷ đồng.
Lợi nhuận Habeco thấp nhất gần 4 năm
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN), doanh thu quý đầu năm tăng hơn 10% lên gần 1.320 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp gần 267 tỷ đồng, tăng 8,5%.
Tuy nhiên, Habeco lại lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ. Sau ba quý kinh doanh khởi sắc, công ty lỗ trở lại với mức nhiều nhất kể từ quý I/2020.
Năm 2024, Habeco đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính và lãi sau thuế đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước |
Lợi nhuận âm đến từ việc Bia Hà Nội tăng đầu tư cho công tác thị trường. Ba tháng đầu năm, chi phí bán hàng tăng 13%, lên hơn 230 tỷ đồng. Công ty chi trên 34 tỷ cho chi phí nhân viên bán hàng, nhiều hơn 6 tỷ so với cùng kỳ. Tốn kém nhất nằm ở chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ, gần 105 tỷ đồng, tăng 30 tỷ. Đây cũng là con số lớn nhất trong tất cả chi phí hoạt động kinh doanh của Habeco.
Ngoài ra, việc sụt giảm doanh thu tài chính cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hãng bia phía Bắc. Trong kỳ, Habeco ghi nhận gần 38 tỷ đồng ở khoản mục này, thấp hơn 16% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất huy động giảm. Công ty đang gửi tại ngân hàng khoảng 3.464 tỷ đồng.
Một công ty con của Habeco là Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. HAD cho biết đây là hệ quả của tỷ giá USD tăng khi mua nguyên vật liệu, tiêu thụ giảm do thời tiết và tác động của Nghị định 100.
Dự báo thị trường còn nhiều tiêu cực, năm nay, Habeco đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước. Với kết quả quý I, công ty còn cách xa mục tiêu lợi nhuận kể trên.
Thép Tiến Lên nhưng... lợi nhuận giảm
Trong quý I/2024, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 1.261,47 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 0,95 tỷ đồng, giảm 84,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giữ nguyên ở mức 3,4%.
Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu qúy I/2024 giảm 11,9% so với cùng kỳ |
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 13% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 6,34 tỷ đồng, về 42,36 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 239,1%, tương ứng tăng thêm 5,57 tỷ đồng, lên 7,9 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 4,2%, tương ứng giảm 0,96 tỷ đồng, về 22,12 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 21,3%, tương ứng tăng thêm 4,73 tỷ đồng, lên 26,91 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024, lợi nhuận của Thép Tiến Lên giảm chủ yếu do lợi nhuận gộp lao dốc, cũng như chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Thép Tiến Lên cho biết thêm doanh thu giảm do sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm do giá vốn bình quân vẫn còn tương đối cao.
CADIVI có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới
Theo thông tin vừa công bố, ông Lê Bá Thọ sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) từ ngày 3/5.
Ông Lê Bá Thọ, tân Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) |
Ông Lê Bá Thọ được bầu vào HĐQT CADIVI tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của công ty vào chiều 3/5. Tại phiên họp đầu tiên của HĐQT CADIVI diễn ra ngay sau đó, ông Thọ đã được tín nhiệm bầu là Chủ tịch HĐQT CADIVI cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022-2027.
Ông Lê Bá Thọ, sinh năm 1981, có bằng Cử nhân Kế toán kiểm toán, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông đã có gần 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính, quản trị kinh doanh và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng tại nhiều doanh nghiệp.
Hiện ông Thọ đang là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX (công ty mẹ của Công ty GELEX Electric - sở hữu hơn 96% cổ phần CADIVI). Ông Thọ hiện còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng GELEX và là thành viên HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP.
Người tiền nhiệm của ông Lê Bá Thọ là ông Nguyễn Văn Tuấn. Sau hơn 7 năm gắn bó, ông Tuấn đã có đơn xin từ nhiệm và được HĐQT CADIVI thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 3/5/2024.
Cũng trong dịp này, CADIVI có tân Tổng giám đốc là ông Hồ Quang Nhân, người đã có 12 năm gắn bó và từng là Phó Tổng Giám đốc công ty.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, HĐQT CADIVI đã đưa ra các định hướng nhấn mạnh giữ vững thị trường miền Nam, phát triển thị trường miền Trung, đặc biệt là thị trường miền Bắc thông qua việc tăng cường năng lực, tiếp tục xây dựng hệ thống đại lý. Bằng việc tập trung cho R&D và đón đầu xu hướng sống xanh, CADIVI đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới mang tính đột phá, có tính năng vượt trội, an toàn, thân thiện với môi trường.
ĐHĐCĐ cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của CADIVI với mục tiêu doanh thu hợp nhất 11.068 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 460 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn