Hàng loạt nhóm ngành tiềm năng tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm
Nền kinh tế đã trải qua phần lớn chặng đường năm 2024 với nhiều cung bậc khác nhau. Và dù còn phải đối mặt với những khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi tích cực với tăng trưởng được đánh giá là điểm sáng của khu vực cùng với triển vọng nâng hạng đang đến rất gần.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, GDP của Việt Nam đã tăng 6,82%, gần với mục tiêu tăng trưởng cả năm. Điều này nhờ vào các động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công, và tiêu dùng nội địa. Đặc biệt Xuất khẩu tăng trưởng 15,4%, đạt gần 300 tỷ USD.
Nhận định về các ngành hưởng lợi theo sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí minh, Công ty CP Chứng khoán DSC cho rằng các nhóm ngành này gồm ngân hàng, chứng khoán hay nhóm ngành bán lẻ, nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu có đà phục hồi, lợi nhuận vẫn tương đối tích cực.
Theo số liệu của Fiinpro, tính đến ngày 26/10/2024 đã có 642 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 31,7% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh Quý III, bao gồm 10/27 ngân hàng, 31/35 công ty chứng khoán và 594/1483 doanh nghiệp phi tài chính. Tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của 642 Doanh nghiệp đã công bố tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng 27,4% của quý II do nền so sánh cao.
Tuy nhiên, các kết quả kinh doanh này đã không làm chúng ta bất ngờ, bởi những thông tin tích cực này đã phản ánh vào giá trước đó rồi, cho nên đến khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thì trong khoảng một, hai tuần vừa qua thị trường lại phản ứng tương đối tiêu cực.
Nhìn vào quý IV/2024 , theo ông Huy, lãi suất đang ở mức tương đối thấp và các chính sách hỗ trợ vẫn đang được đẩy mạnh thì nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng đến cuối năm 2024 khi thông tư 02 sẽ chính thức hết hiệu lực, khi đó các khoản mục nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng có thể lộ diện rõ ràng hơn. Và đối với các ngân hàng mà có tỷ lệ nợ xấu cao thì kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đó là một trong những yếu tố mà chúng ta cần lưu ý.
"Nhóm ngành tài chính ngân hàng, nhóm ngành bán lẻ, một số nhóm ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi theo đà phục hồi của nền kinh tế. Câu chuyện thứ hai là một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công. Và thứ ba là câu chuyện về triển vọng nâng hạng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhóm ngành cũng không quá khó, mà quan trọng là chúng ta cần xác định được thời điểm mua được mức giá hợp lý nhất", ông Huy nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Up (UPS) đánh giá, có nhiều nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt ví dụ như ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng 8-10% trong năm 2024, với sự hỗ trợ từ tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ ổn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, nhiều ngân hàng đã nâng cao quản trị rủi ro và cải thiện cơ cấu nợ như VCB, BID và CTG…
Và nếu Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, các cổ phiếu ngân hàng sẽ thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài, giúp thúc đẩy thanh khoản và giá cổ phiếu. Hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp hơn so với các ngành khác.
Ngành tiềm năng thứ hai là các ngành liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, đó là ngành xây dựng và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép, trong đó HPG là cổ phiếu đầu ngành. Đây là ngành đã bị ảnh hưởng rất lớn về mặt lợi nhuận trong năm 2023 và đầu 2024. Hiện, nhóm ngành này đã có sự tăng trưởng trở lại về mặt lợi nhuận, trong quý IV/2024, cũng như quý I/2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và đáng lưu ý.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được dự báo tăng trưởng 10-12% trong năm 2024 nhờ vào dòng vốn FDI và sự phát triển của hạ tầng giao thông.
Thứ ba là ngành năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng được 12-15% trong năm 2024, với các dự án điện mặt trời và điện gió được triển khai mạnh mẽ, cùng với nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích mạnh mẽ các dự án phát triển điện mặt trời, điện gió, và điện sinh khối nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngành thứ tư là ngành tiêu dùng và bán lẻ, dự báo cũng sẽ tăng trưởng 7-9% trong năm nay, đặc biệt nhờ sự phục hồi tiêu dùng nội địa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, định giá vẫn còn hấp dẫn như VRE, MWG hay MSN.
Ngành cuối cùng là ngành công nghệ thông tin và viễn thông có thể đạt con số 9-12% trong năm 2024, với động lực chính là quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách này.
Xem thêm tại vneconomy.vn