Thời oanh liệt nay còn đâu?
Tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích ở Hà Nội hiện nay, mặt hàng sữa rất đa dạng, được xếp dày đặc trên các kệ hàng, trong đó có sản phẩm của Vinamilk, TH True Milk, Cô gái Hà Lan, Sữa Mộc Châu, Sữa Ba Vì…
Hỏi về sản phẩm của Hanoimilk, không ít người bán và khách hàng nhận xét, thương hiệu này giờ đây trầm lắng.
Chị Hồng Hạnh, một người tiêu dùng ở quận Cầu Giấy chia sẻ, cách đây mười mấy năm, chỉ cần nghe tivi phát quảng cáo “hai chữ ZZ, hai chữ II, cộng lại một hàng làm ra chữ gì?” là cảm thấy náo nức. Thời đó, sữa IZZI của Hanoimilk “làm mưa làm gió”, gia đình chị lúc nào cũng có loại sữa này. Nhưng lâu nay, không thấy Hanoimilk quảng cáo, các cửa hàng ít bán, nên chị chuyển sang dùng sản phẩm của hãng khác.
Chị Thanh Tâm, chủ một cửa hàng tạp hoá trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai cho biết, chị bán các sản phẩm sữa do các hãng đến tận nơi tiếp thị và giao hàng, chưa từng thấy Hanoimilk đến tiếp thị nên không biết nhãn hàng này.
Chị Thanh Hằng, nhân viên tại cửa hàng tiện ích WinMart trên phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai cho hay, cửa hàng không phân phối các sản phẩm của Hanoimilk. “Phân phối nhãn hàng nào là do chiến lược của Công ty nên tôi không biết lý do”, nhân viên này nói.
Kết quả kinh doanh trồi sụt
“Biến cố melamine”, sai lầm khi chọn vỏ hộp cho sản phẩm chủ lực IZZI và các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả đã trở thành bài học đắt giá cho Hanoimilk.
Thành lập năm 2001 và đi vào hoạt động năm 2003, Hanoimilk từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa Việt Nam, với loạt sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk...
Giai đoạn 2006 - 2007 được xem là thời hoàng kim của Hanoimilk khi dòng sản phẩm IZZI - hướng vào nhóm khách hàng trẻ em từ 3 - 12 tuổi, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Năm 2007, doanh thu của Công ty đạt gần 340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng. Theo một thống kê, Hanoimilk có thời điểm chiếm khoảng 28% thị phần sữa nước tiệt trùng cho trẻ em và khoảng 9% thị trường sản phẩm này ở trong nước.
Sau thành công với thương hiệu IZZI, Hanoimilk tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Những năm 2015 - 2016, Hanoimilk đặt mục tiêu “trở thành 1 trong 3 công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam và là công ty số 1 về các sản phẩm sữa dành cho trẻ em”. Tuy nhiên, đó cũng chính là giai đoạn Công ty bắt đầu đi vào chu kỳ khó khăn và cho đến giờ, mục tiêu đó vẫn còn xa vời.
Năm 2016, doanh thu của Hanoimilk là 231 tỷ đồng, giảm 17,5% so với năm 2015 và thấp hơn 29% so với kỳ vọng của Ban lãnh đạo; lợi nhuận trước thuế đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2015 và thấp hơn 43,5% so với kỳ vọng của doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2016, Hanoimilk có 6 năm liên tiếp ghi nhận lợi nhuận ở mức thấp, từ 1 - 3 tỷ đồng, trong khi quy mô nhân sự khoảng 390 người.
Ba năm 2017, 2018, 2019, mặc dù doanh thu đạt lần lượt 162 tỷ đồng, 182 tỷ đồng và 168 tỷ đồng, song Hanoimilk ghi nhận thua lỗ năm 2017 khi lợi nhuận sau thuế âm 18,6 tỷ đồng, còn năm 2018 và 2019 chỉ lãi 1,2 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, kết quả kinh doanh của Hanoimilk được cải thiện: doanh thu tăng từ mức 207 tỷ đồng năm 2020 lên 699 tỷ đồng năm 2023; lợi nhuận tăng từ 1,9 tỷ đồng lên 41,8 tỷ đồng.
Quý II/20224, Hanoimilk ghi nhận doanh thu 180,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do các khoản chi phí tăng nên lợi nhuận giảm 36%, xuống 9,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hanoimilk đạt 310 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi sau thuế giảm 38%, xuống 15,5 tỷ đồng, trong khi mục tiêu cả năm là doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận 48 tỷ đồng.
Lợi nhuận nửa đầu năm 2024 suy giảm, nhưng ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk tự tin nói tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/6/2024: “Hanoimilk đã trải qua nhiều thăng trầm và vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách, cũng như phải hy sinh, chịu đựng rất nhiều để có tương lai tươi sáng như ngày hôm nay. Hiện tại, Hanoimilk mới bước qua giai đoạn cất cánh và đang trong giai đoạn tăng tốc”.
Theo “tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược đến năm 2030” mà ông Tuấn đề ra, 6 năm tới, Hanoimilk kỳ vọng sẽ đạt doanh thu nghìn tỷ, có nhà máy sữa hiện đại chuyên nghiệp nhất miền Bắc, xây dựng được trang trại bò sữa tự nhiên ứng dụng các công nghệ cao nhất tại Thủ đô.
Nhìn lại “biến cố melamine” và sai lầm từ chiếc vỏ hộp
Đặt mục tiêu nằm trong Top 3 doanh nghiệp sữa nội hàng đầu và số 1 về sữa cho trẻ em, song “biến cố melamine” năm 2008 và sai lầm khi chọn vỏ hộp cho sản phẩm chủ lực IZZI đã trở thành bài học đắt giá cho Hanoimilk.
Năm 2008, tại Trung Quốc, sản phẩm sữa của 22 công ty bị phát hiện nhiễm hoá chất melamine. Vụ bê bối thực phẩm này sau đó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia do nhập bột sữa của Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính đến ngày 6/10/2008, Bộ Y tế công bố có 23 mẫu sữa, nguyên liệu sữa và sản phẩm từ sữa nhiễm melamine, riêng Hanoimilk có 7 mẫu. Hậu quả là doanh nghiệp phải tiêu huỷ hàng chục nghìn thùng sữa, bị phạt hành chính, bị thu hồi giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, doanh thu liên tục sụt giảm, nhân sự bị thu hẹp…
Trong cuộc khủng hoảng truyền thông đó, một giám đốc bộ phận thu mua của Hanoimilk đã phải thốt lên: “Nguyên liệu sữa mà Công ty nhập từ Trung Quốc về có đầy đủ giấy tờ, được cơ quan chức năng chứng nhận và kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng, khi phát hiện melamine trong sản phẩm của Trung Quốc thì doanh nghiệp bị kiểm tra, bị rêu rao trên báo chí cứ như cố tình phạm tội. Chúng tôi mong các cơ quan truyền thông hiểu rằng, doanh nghiệp cũng là nạn nhân, vì khi nhập nguyên liệu sữa, không ai biết melamine là gì”.
Nhiều năm sau, khi sự việc lắng xuống, giới báo chí phản ánh biến cố của Hanoimilk với các bài viết như “Melamine và sự khốn cùng của một doanh nghiệp”, “Nhìn lại cuộc khủng hoảng truyền thông của sữa IZZI”, “Giải toả nỗi oan melamine”…, nhưng Hanoimilk vẫn chưa “gượng dậy” được.
Thêm vào đó, từ sáng kiến của đối tác bao bì là Tetra Park về mẫu hộp Wed (hình tam giác) nhằm tạo dấu ấn khác biệt, Hanoimilk đã áp dụng mẫu vỏ hộp hình tam giác cho sữa IZZI - một sản phẩm chủ lực, từng tạo nên danh tiếng cho Công ty.
Thực tế cho thấy, hình dáng hộp Wed tạo ra sự khác lạ, song khi sử dụng dễ gây trào sữa ra ngoài và khi xếp trên kệ thì tốn diện tích, nên một thời gian sau, khách hàng quay trở lại sử dụng loại hộp Brik (hình khối chữ nhật) của các hãng sữa khác.
Chính việc đầu tư cùng một lúc 7 máy rót hộp Wed (mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy) khi xây dựng nhà máy đã gây ra hậu quả cho Hanoimilk đến tận ngày nay. Suốt một thời gian dài, doanh nghiệp chỉ bán được sản phẩm sữa hộp Brik, trong khi chỉ có 3 máy rót hộp Brik, dẫn đến việc nhà máy chế biến sữa thừa công suất chế biến nhưng thiếu công suất rót. Kết quả, Hanoimilk phải dừng sản xuất sản phẩm IZZI hộp Wed từ đầu năm 2015, đồng nghĩa với 7 dây chuyền máy rót hộp Wed “đắp chiếu” .
Ngoài ra, các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả (bao gồm bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán) và kế hoạch ra đời hàng loạt thương hiệu mới nhưng không vượt qua được “cái bóng” của IZZI, khiến kết quả kinh doanh của Hanoimilk biến động mạnh và tổng nợ gia tăng (như cuối tháng 6/2019, nợ phải trả là 326 tỷ đồng, gấp 1,76 lần vốn chủ sở hữu).
Đỉnh điểm của khó khăn là ngày 12/6/2020, cổ phiếu HNM của Hanoimilk bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HNX do 3 năm liên tiếp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán.
Trước khi bị huỷ niêm yết, cổ phiếu HNM được giao dịch với giá 4.500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có thanh khoản. Hiện tại, cổ phiếu này được giao dịch trên thị trường UPCoM, giá dao động quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu.