Hậu bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tạo làn sóng mới cho bất động sản công nghiệp Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2019 đến 2023, hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng tích cực. Ảnh: minh họa

Nhìn lại những tác động từ “chính quyền Trump”

Hậu bầu cử tại Mỹ, đã có nhiều mối quan tâm về những tác động đến thương mại toàn cầu, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư các dự án, và dòng vốn FDI, đặc biệt đối với Việt Nam khi là một trong những trung tâm sản xuất trên toàn cầu.

Ở nhiệm kỳ trước của ông Trump, Mỹ đã áp dụng mức thuế quan trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Chính sách thương mại này đã tạo ra sự chuyển dịch các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giúp Việt Nam nổi lên như một điểm đến trong khu vực cho các doanh nghiệp FDI, bao gồm: Luxshare, Goertek, Pegatron và Compal Electronics.

Ngoài ra, một số tập đoàn như: Samsung, LG, Hyundai, Lotte, Intel, Lego, Hyosung và Foxconn đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam kể từ năm 2018, nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo nhận định từ chứng khoán SSI, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào năm 2018, nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất. Những làn sóng FDI mới đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… nhờ Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như chính sách đầu tư thuận lợi, chí phí lao động thấp.

Tại chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024, ông Trump đã nhấn mạnh các biện pháp thương mại để bảo vệ nền kinh tế Mỹ, bao gồm mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa, và mức thuế quan thông thường từ 10 - 20% đối với các quốc gia khác để bảo vệ các ngành công nghiệp Hoa Kỳ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài.

Chính phủ đang có những hành động nhằm giải quyết các nút thắt để thu hút dòng vốn FDI như: nghiên cứu và thiết lập các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu, đề xuất trong Luật Công nghiệp công nghệ số với các ưu đãi khi đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất bán dẫn; sửa đổi một số điều khoản trong Luật Đầu tư hiện hành để UBND tỉnh có thể cấp chứng nhận đầu tư vào khu công nghiệp mới, dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt nối Trung Quốc và Việt Nam. Do đó, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi các luật thuế mới của Mỹ được áp dụng.

Những tuyên bố trong chiến dịch này cho thấy một sự chuyển hướng sang các chính sách bảo hộ nhiều hơn, khiến cho những chính sách đối với sản phẩm nhập khẩu còn chưa rõ ràng.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp FDI có thể sẽ chờ các thông tin cụ thể hơn về những chính sách thuế quan mới của Trump, bao gồm những luật thuế ảnh hưởng đến nhập khẩu từ Việt Nam.

Nhìn vào số liệu, có thể thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại trong năm 2024. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 27,26 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ. Diện tích MOUs (biên bản ghi nhớ) và ký mới của các khu công nghiệp niêm yết đã giảm từ 30% đến 65% trong vòng 9 tháng năm 2024.

Những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm: Biến động tỷ giá hối đoái, Việt Nam đang phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước láng giềng như Indonesia (đã ban hành Luật Omnibus) hay Thái Lan (quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%).

Song song đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt tại khu vực miền Nam, diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê tại các khu công nghiệp chính không còn nhiều.

Hậu bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tạo làn sóng mới cho bất động sản công nghiệp Việt Nam

Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất và chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới. Ảnh: Kỳ Phương

Đa dạng hóa đầu tư và dự báo bùng nổ FDI

Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2024, FDI vào Việt Nam mà dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Các quốc gia đầu tư chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, đã làm nổi bật lên xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghệ cao, giá trị cao. Sản xuất chiếm khoảng 63% FDI, nhấn mạnh sức hấp dẫn của Việt Nam đã vượt xa lĩnh vực sản xuất chi phí thấp truyền thống.

Các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam là những điểm đến chính cho dòng vốn này. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, bao gồm các tỉnh như Bắc Ninh và Hải Phòng, nổi bật với vị trí chiến lược gần Trung Quốc và thị trường Bắc Á, có lợi cho các ngành tập trung vào xuất khẩu.

Trong khi đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, với mạng lưới logistics mạnh và hệ thống cảng thuận lợi, lý tưởng cho cả sản xuất xuất khẩu và nội địa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, bao gồm FTA với EU và Anh, còn giúp gia tăng sức hấp dẫn với khả năng tiếp cận thị trường rộng và ưu thế thương mại cạnh tranh.

Ông John Campbell - Giám đốc, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, nhận định dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc kho bãi.

Đồng thời, khi nền kinh tế kỹ thuật số đang phủ rộng khắp châu Á, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu. Được định giá 685 triệu USD vào năm 2023, thị trường trung tâm dữ liệu dự kiến đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2029, nhờ vào nhu cầu gia tăng đối với điện toán đám mây, 5G và IoT.

Đặc biệt, Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ hướng đến mục tiêu 50% doanh nghiệp sẽ hoạt động kỹ thuật số vào năm 2025, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước trở thành một trung tâm kỹ thuật số.

Trong năm 2024, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 38%, dẫn đầu về doanh số là các nền tảng như: Shopee và TikTok Shop. Sự mở rộng của bán lẻ trực tuyến còn thúc đẩy thêm nhu cầu về kho bãi, logistics và lưu trữ dữ liệu, củng cố vai trò của Việt Nam như một nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.

Theo nhận định từ Savill Việt Nam, ngành công nghiệp và kỹ thuật số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI mạnh, các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi của đất nước sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Với chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược và nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới này. Khi đất nước đang ngày càng hội nhập vào các thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai ngành công nghiệp của Đông Nam Á, giữ vững danh tiếng là điểm đến lý tưởng cho các giải pháp công nghiệp và logistics hiệu quả và tiên tiến” - các chuyên gia đến từ Savill Việt Nam phân tích.