HDBank và SHB sắp chi hơn 4.700 tỷ trả cổ tức tiền mặt, hai ngân hàng khác chuẩn bị 'lăn chốt'

HDBank và SHB sắp chi hơn 4.700 tỷ trả cổ tức tiền mặt, hai ngân hàng khác chuẩn bị 'lăn chốt'- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HoSE: HDB) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Theo tài liệu được công bố, đối với cổ tức bằng tiền mặt, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức là 15/7/2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7/2024. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt dự kiến là 26/7/2024. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu.

Với hơn 2,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HDBank sẽ chi hơn 2.900 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

HDBank luôn chia cổ tức cho cổ đông cao dẫn đầu thị trường trong nhiều năm liền. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, nhà băng này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 lên đến 30%, gồm tối đa 15% tiền mặt.

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB - HoSE: SHB) cũng vừa quyết định ngày 19/7 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian triển khai chi trả cổ tức là ngày 6/8.

Đây là lần đầu tiên SHB chia cổ tức tiền mặt sau hơn 10 năm. Lần gần nhất SHB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt là năm 2013 với tỷ lệ 7,5%. Các năm gần đây, SHB thường chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, chẳng hạn như năm 2023 vừa qua ngân hàng chia với tỷ lệ 18%.

Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SHB sẽ chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ dông.

Như vậy, tổng số tiền mà SHB và HDBank cần chi ra để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là hơn 4.700 tỷ đồng.

Ngoài hai nhà băng trên, còn hai ngân hàng khác cũng có kế hoạch/chủ trương trả cổ tức tiền mặt trong năm nay.

Cuối tháng 5, Hội đồng quản trị Eximbank cũng đã thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Cụ thể, với mức chi trả tiền mặt là 300 đồng/cp, Eximbank dự kiến chi ra 552 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông. Tuy nhiên, Eximbank chưa công bố chi tiết về thời điểm chốt quyền cũng như ngày chi trả.

Đây là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.

Đại hội đồng cổ đông MSB vừa qua cũng đã phê duyệt chủ trương chia cổ tức với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu từ lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ. Trong trường hợp MSB chia toàn bộ cổ tức bằng tiền mặt theo chủ trương trên, số tiền mà ngân hàng này cần chi ra là khoảng 3.900 tỷ đồng.

Chia sẻ với người viết tại Đại hội vừa qua, đại diện MSB cho biết nếu được cổ đông thông qua và kết quả kinh doanh đạt kỳ vọng, ngân hàng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt ngay trong quý 4 năm nay.

"Chúng tôi đã có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt từ trước, nhưng cần phải xin phê duyệt chủ trương của Đại hội đồng cổ đông với mức tối đa là 15%", vị này nói thêm.

Trong năm 2024, có 10 ngân hàng đã/đang thực hiện kế hoạch hoặc chủ trương trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, TPBank và MSB. Tổng số tiền các ngân hàng dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm nay ước tính vào khoảng 33.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn so với năm 2023 về cả số lượng ngân hàng và quy mô chi trả (6 ngân hàng trả 23.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt).

Xem thêm tại cafef.vn