Hết thu hồi vaccine, AstraZeneca lại gặp khó với thuốc ung thư
Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ mới đây dự báo đến năm 2050, số người mắc bệnh ung thư có thể tăng 77% trên toàn thế giới. Dân số bùng nổ và già hóa dân số gia tăng được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng ung thư cho các nước trên thế giới. Viện dẫn báo cáo trên, Tiến sỹ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), chỉ rõ số người mắc phải căn bệnh nan y này sẽ tăng lên tới 35 triệu người vào năm 2050.
Dữ liệu quan sát ung thư toàn cầu của Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) vào năm 2022 cho thấy 10 loại ung thư hàng đầu chiếm khoảng 2/3 số ca mắc mới và tử vong trên thế giới. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất. Dù vậy, đại dịch Covid-19 đã tạo tiền đề cho việc đẩy nhanh nghiên cứu vaccine và thuốc trị ung thư trên toàn cầu. Sự thành công của các công nghệ chưa từng được sử dụng trên thị trường như mRNA đã chứng tỏ tiềm năng của các công nghệ này trong việc đối phó với các bệnh khác như ung thư.
Sau khi thành công vaccine Covid-19, AstraZeneca ngay lập tức tiến tới phát triển thuốc điều trị ung thư. Năm 2021, hãng dược này hợp tác với công ty khởi nghiệp VaxEquity của Đại học Hoàng gia London để nâng cấp phát triển và thương mại hóa nền tảng trị liệu RNA tự khuếch đại (saRNA) độc quyền. Đến năm 2023, hơn 40 tóm tắt về kết quả nghiên cứu của 8 thuốc khác nhau, gồm thuốc đã cấp phép và các thuốc đang nghiên cứu của AstraZeneca đã được báo cáo tại Hội nghị Thế giới về Ung thư phổi được tổ chức tại Singapore.
Chẳng hạn, liệu pháp trúng đích cho các đột biến thường gặp trong ung thư phổi, bao gồm EGFR và HER2, cũng như thuốc liên hợp kháng thể (ADC) kết hợp với liệu pháp miễn dịch đã đưa AstraZeneca đến gần hơn với mục tiêu đem đến một loại thuốc có thể điều trị được cho hơn một nửa số bệnh nhân ung thư phổi vào năm 2030. Nếu thành công, AstraZeneca dự đoán các loại thuốc điều trị mới hứa hẹn sẽ đoạt doanh số với tổng trị giá lên tới 195 triệu USD trong những năm phát hành thương mại đầu tiên.
Dù vậy, tòa án bang Delaware (Mỹ) mới đây đã đưa ra phán quyết về tranh chấp bản quyền thuốc ung thư giữa hai "ông lớn" ngành dược AstraZeneca và Pfizer. Theo bồi thẩm đoàn, thuốc ung thư phổi Tagrisso của AstraZeneca đã vi phạm quyền sáng chế của công ty con Wyeth, được Pfizer mua lại kể từ năm 2009. Tòa án cho biết hai bằng sáng chế vi phạm có liên quan đến thuốc điều trị ung thư vú Nerlynx, do Puma Biotechnology sản xuất. Puma mua bản quyền thuốc từ Pfizer.
Theo Reuters, Pfizer nhận được số tiền bồi thường 107,5 triệu USD từ phía AstraZeneca. Người phát ngôn của AstraZeneca cho biết công ty rất thất vọng với phán quyết từ bồi thẩm đoàn. Hãng vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc Tagrisso và cam kết "mạnh mẽ bảo vệ quyền này". Đại diện Pfizer không trả lời các yêu cầu bình luận về phán quyết mới, trong khi Puma không còn là nguyên đơn của vụ kiện.
Theo báo cáo từ phía AstraZeneca, thuốc ung thư Tagrisso đã đem lại cho hãng doanh thu gần 5,8 tỷ USD vào năm ngoái. Năm 2021, Pfizer kiện AstraZeneca vì vi phạm bản quyền, lập luận Tagrisso sử dụng chất ức chế kinase để điều trị ung thư theo cách tương tự như Nerlynx. AstraZeneca phủ nhận việc vi phạm các bằng sáng chế và cho rằng chúng không hợp lệ.
Tagrisso là thuốc ức chế yếu tố phát triển biểu mô thế hệ ba có trong ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn. Thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 11/2015, phê duyệt hoàn toàn vào năm 2017. Trong khi đó, Nerlynx là thuốc điều trị ung thư vú khi kết thúc liệu pháp Trastuzumab hoặc dự phòng tái phát ung thư vú. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Nerlynx sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
Thẩm phán Matthew Kennelly cho biết tòa án bang Delaware sẽ tổ chức một phiên tòa xét xử riêng biệt đối với một số biện pháp bào chữa còn lại của AstraZeneca vào tháng 6. Trước đó, AstraZeneca của Anh ngày 20/5, đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD tại Singapore để sản xuất thuốc điều trị ung thư thế hệ mới. Thông báo cho biết nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2029 và sản xuất một loại thuốc chống ung thư đầy hứa hẹn gọi là liên hợp thuốc kháng thể (ADC).
Ngày 25/4, cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng vọt sau khi tập đoàn dược phẩm của Anh này công bố lợi nhuận ròng trong 3 tháng đầu năm nay đã vượt xa kỳ vọng - tăng 21% nhờ doanh số bán thuốc trị ung thư Imfinzi, Tagrisso và Enhertu tăng mạnh. Theo Bloomberg, cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng tới 6,5% trong phiên giao dịch ở thị trường London, mức cao nhất trong hơn 3 năm qua.
Cụ thể, tổng doanh thu của hãng trong quý 1/2024 đã tăng 19% lên 12,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng đã tăng hơn 20%, lên 2,18 tỷ USD. Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot khẳng định tập đoàn đã có một khởi đầu rất thuận lợi trong năm 2024, do doanh thu từ các phương pháp điều trị ung thư tăng 26%. Ông khẳng định: “Động lực phát triển mạnh mẽ của chúng tôi vẫn tiếp tục và năm nay, chúng tôi đã công bố kết quả thử nghiệm tích cực đối với hai loại thuốc Imfinzi và Tagrisso trong điều trị bệnh ung thư phổi".
Cũng trong quý 1 vừa qua, AstraZeneca đã mua lại công ty dược phẩm sinh học Fusion của Mỹ với giá lên tới 2,4 tỷ USD, một bước tiến mới của hãng trong lĩnh vực điều trị ung thư. Công ty Fusion nổi tiếng với việc phát triển liệu pháp xạ trị thế hệ mới nhằm điều trị ung thư thông qua việc nhắm mục tiêu chính xác và giảm thiểu thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh. Ngoài ra, tập đoàn đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty công nghệ sinh học Amolyt Pharma của Pháp với giá khoảng 1 tỷ USD, nhằm mục đích nâng cao sự hiện diện trong lĩnh vực điều trị bệnh hiểm nghèo.
Xem thêm tại vneconomy.vn