Hiệu suất giảm, các quỹ cổ phiếu tiếp tục bị rút ròng

Tháng 1/2025 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó nhóm quỹ Trái phiếu có hiệu suất bình quân tốt nhất tăng 0,44%, vượt trội so với nhóm quỹ Cổ phiếu và nhóm quỹ Cân bằng. Mức hiệu suất này thậm chí cao hơn lãi suất tiết kiệm trung bình tháng 0,38%, theo thống kê được thực hiện bởi FiinTrade. 

QUỸ CỔ PHIẾU HIỆU SUẤT GIẢM

Nhóm quỹ Cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi với chỉ số VN30 và Vn-Index lần lượt giảm 0,53% và -0,14%.

Có 12/65 quỹ đầu tư cổ phiếu đạt mức tăng trưởng dương trong tháng 1/2025, nhưng kém đi rõ rệt so với hiệu suất của tháng 12 và cả năm 2024 do thị trường chung không thuận lợi.

Cụ thể: TCFIN (+0,6%), Quỹ CP Tăng trưởng VCBF (+0,3%) và Quỹ CP Giá trị Fides VN (+0,2%) tiếp tục tăng trưởng, nhưng đã chậm lại đáng kể so với tháng 12/2024 (+2,3%, +3,1% và +1% tương ứng). Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận ở quỹ Vietnam Holding Ltd (+0,3%) và VEIL (+0,04%).

Ngược lại, nhóm có hiệu suất âm đáng chú ý là quỹ CP Kinh tế Hiện đại VinaCapital (VMEEF), SSI-SCA, VEOF, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và đây là các quỹ có hiệu suất vượt trội so với thị trường trong năm 2024.

Theo phân tích của FiinTrade, do đây là giai đoạn cận Tết, thường ghi nhận thanh khoản thấp và tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, dẫn đến hiệu suất các quỹ cổ phiếu có phần biến động nhưng không mang tính quyết định về xu hướng dài hạn.

Hiệu suất giảm, các quỹ cổ phiếu tiếp tục bị rút ròng - Ảnh 1

Với trái phiếu, có 18/23 quỹ trái phiếu có hiệu suất cao hơn lãi suất tiết kiệm trong tháng 1/2025. Quỹ trái phiếu tiếp tục là kênh đầu tư tương đối an toàn với hiệu suất ổn định, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cổ phiếu suy yếu. Hầu hết các quỹ trái phiếu đều có mức sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm, trong đó đáng chú ý là quỹ Trái phiếu VCBF (+0,7%) và Quỹ TP Dòng tiền Linh hoạt MB (+0,7%) với danh mục nắm giữ phần lớn là tiền gửi và trái phiếu của Vinhomes (VHM).

Mặc dù vậy, hầu hết các quỹ trái phiếu có hiệu suất bằng hoặc thấp hơn so với tháng 12/2024, dao động từ 0,4% đến 1,7%, cho thấy tốc độ tăng trưởng của nhóm này đang chững lại, trong đó đứng đầu về tăng trưởng là quỹ Trái phiếu Lighthouse với hiệu suất 1,7%, cao nhất trong 6 tháng, nhưng quy mô tài sản ròng của quỹ tương đối nhỏ (95 tỷ đồng).

Trong khi đó, quỹ Đầu tư Trái phiếu TCBF, với quy mô tài sản ròng thuộc top đầu thị trường hơn 14 nghìn tỷ đồng tại ngày 31/1/2025, chỉ tăng trưởng 0,4% trong tháng 1/2025, thấp hơn đáng kể so với hiệu suất tích cực trong năm 2024. Danh mục đầu tư của TCBF hiện gồm hơn 53% trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu từ VIC, NVL, VHM) trong khi phần còn lại phần lớn là chứng chỉ tiền gửi (26,3%).

DÒNG TIỀN TIẾP TỤC RÚT KHỎI QUỸ CỔ PHIẾU

Dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ở trạng thái rút ròng hơn 700 tỷ đồng trong tháng 1/2025, tăng so với mức rút ròng nhẹ trong tháng 12/2024 là 218 tỷ đồng.

Rút ròng tập trung ở nhóm quỹ Cổ phiếu, ở mức 868 tỷ đồng, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với triển vọng của thị trường cổ phiếu. Với nhóm quỹ Trái phiếu, dù vẫn hút vốn ròng, khoảng 120 tỷ trong tháng 1/2025, tương đương tháng 12/2024 nhưng thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 1.217 tỷ đồng/tháng trong năm 2024

Nhóm Quỹ mở ghi nhận vào ròng gần 400 tỷ đồng trong tháng 1/2025, đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp hút vốn. Quỹ CP Kinh tế Hiện đại VinaCapital (VMEFF) dẫn đầu với +193 tỷ đồng, tiếp theo là K Vietnam Equity (+129 tỷ đồng) và Quỹ Chứng khoán Năng động DC (+124 tỷ đồng), cho thấy nhà đầu tư vẫn ưu tiên những quỹ có danh mục đa dạng và chiến lược linh hoạt.

Ngược lại, dòng vốn tiếp tục rút khỏi nhóm quỹ đóng và ETF, với quy mô rút ròng tương đương nhau trong tháng 1/2025 (cùng ở mức hơn 600 tỷ đồng) và xu hướng cùng diễn ra trong nhiều tháng. Ở nhóm quỹ ETF, VanEck Vietnam ETF ghi nhận ròng gần 423 tỷ đồng trong tháng 1/2025, tăng mạnh so với quy mô rút ròng bình quân trong năm 2024 (130,3 tỷ đồng/tháng), và đây là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp ở quỹ này.

Đáng chú ý là quỹ Fubon FTSE Vietnam với quy mô rút ròng giảm đáng kể trong tháng 1/2025. Ở nhóm quỹ đóng, hoạt động rút vốn chưa có dấu hiệu ngưng ở VEIL và VOF.

Hiệu suất giảm, các quỹ cổ phiếu tiếp tục bị rút ròng - Ảnh 2

Dòng tiền vào ròng ở nhóm quỹ Trái phiếu trong tháng 1/2025 (+120 tỷ đồng) giảm mạnh so với mức bình quân 1.700 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn cao điểm của năm 2024, chủ yếu do quỹ Trái phiếu TCBF chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, từ mức 1.600 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn tháng 5-10/2024 xuống chỉ còn gần 4 tỷ đồng trong tháng 1/2025.

Lũy kế 1 năm gần đây, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận dòng tiền vào ròng gần 13,8 nghìn tỷ đồng, nhưng tập trung phần lớn ở quỹ TCBF (83,6%) và tiếp đến là Quỹ TP Bảo Thịnh Vinawealth (VFF). Ngược lại, quỹ TP Việt Nam (DCBF) và quỹ TP DCIP (DCIP) cùng thuộc Dragon Capital ghi nhận rút ròng lần lượt là 954 tỷ đồng và 350 tỷ đồng.

Cũng theo FiinTrade, có sự đối lập về chiến lược giữa các quỹ đầu tư cổ phiếu, khi 17/32 quỹ gia tăng giải ngân vào thị trường và 15 quỹ còn lại thực hiện chiến lược phòng thủ. Điều này phản ánh sự thận trọng của các nhà quản lý quỹ trước bối cảnh thị trường có nhiều biến động, với xu hướng chung của VN-Index vẫn đang trong giai đoạn sideway và tìm kiếm động lực tăng trưởng.

Xem thêm tại vneconomy.vn