
Dòng tiền rút ròng
VEIL là quỹ ngoại lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam, ra đời năm 1995 với quy mô ban đầu khoảng 16 triệu USD. Quỹ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp trước khi IPO với các yếu tố cơ bản như tốc độ tăng trưởng cao và quản trị tốt. Đến nay, VEIL đã trở thành quỹ có quy mô lớn nhất do Dragon Capital quản lý với giá trị tài sản ròng (NAV) hơn 1,8 tỷ USD tính tới cuối tháng 1/2025. Trước đó, vào năm 2021, tổng tài sản ròng của VEIL vượt 2,6 tỷ USD khi VN-Index tăng trưởng mạnh và lập đỉnh lịch sử.
Cùng với diễn biến rút ròng tại nhóm quỹ ETF và quỹ đóng tại thị trường Việt Nam, quỹ VEIL (là quỹ đóng) cũng không là ngoại lệ. Số liệu mới nhất của FiinTrade tính tới tháng 1/2025 cho thấy, trong tháng 1, VEIL bị rút ròng 338 tỷ đồng. Lũy kế 1 năm qua, quỹ này bị rút ròng 4.320 tỷ đồng và hoạt động rút vốn chưa có dấu hiệu ngừng.
Xét về hiệu quả đầu tư, trong tháng 1/2025, hiệu suất đầu tư của Quỹ đạt 1% trong bối cảnh VN-Index đi ngang. Trong năm 2024, hiệu suất đầu tư của VEIL đạt 12,2%, cao hơn 3,4% so với mức tăng của chỉ số VN-Index, nhờ vậy thu hẹp khoảng cách hiệu suất 3 năm. Cụ thể, trong giai đoạn 3 năm, hiệu suất của VEIL đạt -20,31%, tương đương với mức giảm 20% của VN-Index.
![]() |
Hiệu suất đầu tư của VEIL trong tương quan với VN-Index và VN30 |
Tiếp tục “đặt cược” vào ngân hàng và bất động sản
Báo cáo tổng kết hoạt động tháng 1/2025 của VEIL nêu lên tâm lý thận trọng bao trùm suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thanh khoản giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù điều kiện kinh tế trong nước có nhiều cải thiện, nhưng các mối lo ngại từ thị trường quốc tế khiến các nhà đầu tư cá nhân quyết định đứng ngoài quan sát.
Theo quỹ tỷ đô này, có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2024 được công bố. Cụ thể, ngành ngân hàng mang lại hiệu quả vững chắc, với tăng trưởng chung 22,6% theo năm và 19,1% trong quý IV/2024.
Tính tới cuối tháng 1/2025, danh mục đầu tư của VEIL vẫn tập trung vào nhóm tài chính – ngân hàng với tỷ trọng 35,5%. Các cổ phiếu ngân hàng chiếm top đầu các khoản đầu tư lớn của VEIL bao gồm VPB, VCB, ACB, TCB, CTG.
“Các khoản đầu tư lớn của chúng tôi đang mang lại hiệu quả tốt, với CTG ghi nhận tăng trưởng doanh thu 59,4% trong quý IV và 26,8% trong cả năm 2024. Tương tự, VPB cũng tăng trưởng lần lượt 127,5% trong quý IV và 57% cả năm 2024. Chúng tôi duy trì niềm tin cao vào vị thế danh mục đầu tư của mình và tin rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng hiện tại, với kỳ vọng về việc mở rộng tín dụng bền vững vào năm 2025 từ các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng”, VEIL nhận định.
Ngành bất động sản nhà ở cũng cho thấy kết quả khả quan, được hưởng lợi từ những cải thiện về quy định và thanh khoản tốt hơn. Điều này sẽ cải thiện dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản bằng cách giảm bớt các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Đây là một diễn biến tích cực cho vị thế đầu tư của VEIL trong ngành này kể từ cuối năm 2024.
Cụ thể, VEIL nhận định một số nhà phát triển bất động sản trong danh mục đầu tư của quỹ đã vượt qua các rào cản pháp lý đối với các dự án quan trọng trong 6 tháng qua, phù hợp với những cải thiện chung của ngành.
Ví dụ dự án Gem Riverside quy mô 4,3 ha của Đất Xanh Group (DXG) tại TP.HCM, có thể cung cấp 3.000 căn hộ trong thời gian tới, hay dự án Eaton Park gần đó dự kiến sẽ nhận được giấy phép bán hàng vào quý I trước thời điểm ra mắt dự kiến vào quý II/2025.
![]() |
Top 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL tính tới cuối tháng 1/2025 |
Hiện quỹ vẫn tập trung giữ nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng với tỷ trọng 35,5%, kế đến là bất động sản 15,1%, tiêu dùng trực tiếp 13,3%, vật liệu 9,3%, công nghệ 7,6%. 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm 56,1% danh mục đầu tư, bao gồm MWG, FPT, HPG, KDH, DGC và 5 cổ phiếu ngân hàng VPB, VCB, ACB, TCB, CTG.