Hoa Sen (HSG) tìm động lực tăng trưởng mới

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tôn mạ và ống thép tại Việt Nam, nhưng vài năm gần đây, Hoa Sen dần dịch chuyển sang các lĩnh vực mới. Trong đó, năm 2021, Tập đoàn giới thiệu chuỗi Hoa Sen Home - hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất được nâng cấp từ hệ thống phân phối bán lẻ trước đây.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Hoa Sen Home được Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen Lê Phước Vũ khẳng định, đây là nỗ lực cuối cùng của ông trước khi rời Tập đoàn, với kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên đến 2 tỷ USD. Ông Vũ còn nói, nếu được điều hành tốt, Hoa Sen Home sẽ lớn gấp nhiều lần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay.

Thậm chí, ông Vũ cho rằng, trong 5 - 10 năm tới, khi nói đến Hoa Sen, thị trường sẽ nhắc đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home. Bởi vì, từ năm 2022, Tập đoàn sẽ không đầu tư vào sản xuất thép, những tài sản không liên quan đến hệ thống phân phối đều sẽ bán hết, kể cả dự án khách sạn, khu công nghiệp…

Cuối niên độ tài chính 2020 - 2021, chuỗi Hoa Sen Home có 80 cửa hàng, đến cuối niên độ 2022 - 2023 tăng lên 114 cửa hàng trên cả nước. Trong niên độ 2023 - 2024, Hoa Sen đặt mục tiêu củng cố, nâng cao hiệu quả vận hành, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc chuyển đổi hệ thống Hoa Sen Home thành Công ty cổ phần Hoa Sen Home.

Về lĩnh vực mới này, một chuyên gia cho biết, chuỗi vật liệu xây dựng có cái khó đối với “tân binh” so với các lĩnh vực bán lẻ khác, đó là tính đặc thù.

“Nếu như mua điện thoại, tivi…, người dân có thể tham khảo và trực tiếp mua, nhưng đối với vật liệu xây dựng dành cho các công trình hộ gia đình, mỗi khu vực thường có một ‘ông kẹ’, người chi phối và tạo được mối quan hệ ‘thân tình” với các đơn vị xây dựng ở địa phương. Đồng thời, do đặc thù ngành, việc chọn vật liệu xây dựng thường uỷ quyền từ chủ dự án sang các đơn vị xây dựng. Vì vậy, việc ‘chen chân’ của đơn vị mới sẽ không đơn giản”, vị chuyên gia nói.

Thực tế, việc triển khai hệ thống Hoa Sen Home để chuyển từ đơn vị sản xuất sang đơn vị bán lẻ như mong muốn của ông Lê Phước Vũ đang chậm so với dự kiến, đặc biệt là hoạt động xây dựng dân dụng chậm lại trong 2 năm trở lại đây. Niên độ 2022 - 2023, chuỗi Hoa Sen Home chỉ tăng được 4 cửa hàng so với con số 30 cửa hàng mở mới trong niên độ liền trước.

Trong bối cảnh thị trường xây dựng trầm lắng, cản trở quá trình mở rộng lĩnh vực bán lẻ vật liệu xây dựng của Hoa Sen, tại đại hội cổ đông niên độ tài chính 2023 - 2024, Tập đoàn lên kế hoạch dùng tối đa 5.000 tỷ đồng để lấn sân thêm nhiều lĩnh vực, bao gồm: ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí chính xác; cơ khí chế tạo; công nghệ bán dẫn; phát triển dự án văn phòng, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị; giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khoẻ; du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Trước đó, Hoa Sen dự kiến thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn để tham gia lĩnh vực bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng.

Về hoạt động cốt lõi, sau nhịp hồi phục giá thép cuối năm 2023, giá thép thế giới trong quý I/2024 điều chỉnh mạnh về đáy tháng 5/2023, gây áp lực trích lập giảm giá tồn kho đối với các doanh nghiệp thép.

Ông Lê Phước Vũ thừa nhận khó khăn trong năm 2024 tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 18/3 vừa qua: “Hiện nay, tất cả công ty thép của Trung Quốc đang lỗ, riêng đối với Hoa Sen, Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm, nhưng với tình hình phức tạp hiện nay, tình hình dự báo có thể xấu hơn, giá thép có khả năng thấp hơn đáy của năm 2023. Vì vậy, thay vì kế hoạch lãi 700 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2023 - 2024 như dự tính ban đầu, doanh nghiệp đã đặt kế hoạch lãi chỉ khoảng 400 - 500 tỷ đồng để phòng ngừa kịch bản xấu”.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn