Hơn 600 tỷ USD tháo chạy với tốc độ chưa từng thấy khỏi các siêu cường châu Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Biến động dòng vốn tại các siêu cường châu Á
Năm 2024 chứng kiến những biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính toàn cầu. Các quốc gia châu Á, từng được xem là động lực tăng trưởng của thế giới, nay phải đối mặt với tình trạng dòng vốn rút lui với tốc độ chưa từng thấy. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và cả Việt Nam đều chịu áp lực nặng nề từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị.
Tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy 45,7 tỷ USD đã chảy khỏi nước này trong tháng 11 năm 2024, đánh dấu mức dòng vốn rút ròng cao nhất từ trước đến nay. Tình trạng này bị thúc đẩy bởi sự bất ổn kinh tế trong nước, đồng nhân dân tệ yếu, và chênh lệch lãi suất lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền Trung Quốc đã cam kết thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, bao gồm tăng cường vay nợ và chi tiêu công để thu hút lại dòng vốn. Tuy nhiên, những lời đe dọa áp thuế từ Mỹ tiếp tục gây áp lực tâm lý lớn lên các nhà đầu tư.
Trung Quốc đối mặt dòng vốn rút mạnh nhất lịch sử, nguồn: Bloomberg |
Ấn Độ cũng không tránh khỏi vòng xoáy dòng vốn tháo chạy. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, thị trường chứng khoán trị giá 5.000 tỷ USD của quốc gia này đã mất hơn 13% giá trị kể từ mức đỉnh tháng 9/2024. Với dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,4% trong năm tài khóa, thấp hơn đáng kể so với trung bình 8% của ba năm trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút lui. Tổng giá trị thị trường của chỉ số MSCI India đã giảm 556 tỷ USD, và những dự báo tiêu cực tiếp tục ám ảnh triển vọng kinh tế nước này.
Chứng khoán ấn độ giảm sâu so với các thị trường khác tại châu Á, nguồn: Bloomberg |
Hàn Quốc đối mặt với bất ổn chính trị khi Tổng thống bị bắt giữ, khiến tâm lý nhà đầu tư rơi vào trạng thái bi quan. Tháng 12/2024, dòng vốn ngoại rút 3,86 tỷ USD ra khỏi thị trường nước này đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu và áp lực giảm điểm trên các chỉ số chính.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức trên truyền hình về vụ bắt giữ và thẩm vấn Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 15/1. Ảnh: Yonhap |
Tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam
Tương tự như các siêu cường châu Á, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi xu hướng dòng vốn tháo chạy. Mặc dù VN-Index kết thúc năm 2024 với mức tăng trưởng 12%, đạt 1.266,8 điểm, sự áp đảo của khối ngoại bán ròng đã kìm hãm nỗ lực bứt phá của chỉ số này. Từ tháng 6/2022 đến nay, VN-Index nhiều lần thất bại khi cố gắng vượt ngưỡng 1.300 điểm.
Dữ liệu từ thị trường cho thấy khối ngoại bán ròng tổng cộng 94.450 tỷ đồng (3,7 tỷ USD) trong năm qua, vượt qua kỷ lục 58.000 tỷ đồng của năm 2021 và trở thành mức bán ròng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, tổng giá trị rút ròng của khối ngoại đã lên đến 170.000 tỷ đồng (gần 6,7 tỷ USD).
Đáng chú ý, các cổ phiếu bluechips là mục tiêu chính của dòng vốn ngoại rút lui. Cổ phiếu VHM dẫn đầu danh sách với giá trị bán ròng hơn 19.100 tỷ đồng, theo sau là VIB (-8.260 tỷ đồng) và FUEVFVND (-7.200 tỷ đồng). Các mã FPT, MSN, VRE và HPG cũng chịu áp lực bán ròng lớn, góp phần làm giảm giá trị tài sản của các quỹ ETF.
Chỉ số VN-Index kết thúc năm 2024 với mức tăng trưởng 12%, đạt 1.266,8 điểm |
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát cao, xu hướng tăng lãi suất tại Mỹ và bất ổn địa chính trị. Đồng thời, các thị trường châu Á, bao gồm Việt Nam, phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường phát triển với lợi suất hấp dẫn hơn.
Hệ quả của dòng vốn ngoại rút lui không chỉ giới hạn ở việc làm suy giảm giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư. Tại Việt Nam, dù khối ngoại chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch, sự hiện diện của họ vẫn là yếu tố quan trọng định hình niềm tin thị trường.
Các chuyên gia dự báo rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm 2025, phụ thuộc vào chính sách tiền tệ toàn cầu và triển vọng kinh tế khu vực. Để đối phó với xu hướng này, chính phủ các nước châu Á cần đưa ra các chính sách linh hoạt nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để giữ chân dòng vốn.
Riêng tại Việt Nam, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cấp hạ tầng thị trường tài chính, và tăng cường minh bạch thông tin sẽ là những yếu tố quan trọng để cải thiện sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn