Hưởng lợi lớn từ hiệu ứng dự thảo 3 về Kinh doanh xăng dầu, 2 cổ phiếu đầu ngành 'phi' mạnh
Ngày 27/6/2024, Dự thảo 3 Nghị định về Kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, thay thế cho các Nghị định trước đó.
Để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán
Điểm đáng chú ý nhất trong dự 3 này, là vẫn giữ nguyên tinh thần của bản dự thảo số 2, là tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu tự quyết định giá bán.
Ngay sau khi bản dự thảo số 3 được hoàn thiện, Chứng khoán MB (MBS) đã có báo cáo phân tích đánh giá tác động của dự thảo này tới ngành kinh doanh xăng dầu.
Theo các chuyên gia MB, điểm khác của dự thảo 3 so với dự thảo 2 gồm một số điểm chính sau:
(1) Thay đổi công thức giá bán xăng dầu tối đa, bổ sung lại khoản mục “premium” vào công thức giá bán và điều chỉnh với thời gian 7 ngày 1 lần thay vì việc bỏ đi khoản mục này trong dự thảo số 2.
(2) Thay đổi cách điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức dựa theo chỉ số giá tiêu dùng CPI.
(3) Không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối.
Các chuyên gia MBS đánh giá, dự thảo này đã giúp giảm các quy trình tính toán giá cơ sở liên quan, phản ánh tốt hơn biến động chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với số ngày dự trữ tối thiểu với thương nhân kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh quay trở về mức 20 ngày như quy định hiện hành, thay vì mức 30 ngày như trình bày tại bản dự thảo 2.
Theo MBS, nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, thì mức độ biến động giá giữa các 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn, do đó không nhất thiết phải tồn tại Quỹ Bình ổn giá.
Ngoài ra, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng giúp giảm thiểu các rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ. Cùng với đó, MBS đưa ra loạt dẫn chứng về việc nhiều doanh nghiệp đầu mối đã có sai phạm trong việc sử dụng quỹ bình ổn giá, như Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil...
Loạt doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn
Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới khi có hiệu lực sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp xăng dầu, đặc biệt khi không còn quỹ bình ổn giá xăng dầu. Các chuyên gia chỉ ra những điểm bất cập hiện nay của quỹ này, từ việc một số doanh nghiệp lạm dụng quỹ, đến những biến động lớn về giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp đầu mối...
Với những thay đổi trong bản dự thảo 3, chuyên gia chứng khoán MBS cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần lớn, có khả năng kiểm soát tốt các chi phí đầu vào như Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Trên thị trường, đón "sóng" từ những thông tin về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhóm cổ phiếu đầu ngành xăng, dầu đang dậy sóng. PLX của Petrolimex phiên hôm qua 16/7 giảm 1,87% về mức 47.100 đồng/cổ phiếu. Dù giảm, đây vẫn là giá vùng đỉnh trong vòng hơn 2 năm qua của PLX, đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt 59.800 tỷ đồng.
Tính chung 10 phiên gần đây nhất, cổ phiếu PLX có đến 7 phiên tăng điểm, chỉ có 3 phiên giảm điểm.
Cổ phiếu OIL cũng đã có phiên tăng điểm thứ 7 trong số 10 phiên giao dịch gần đây nhất. OIL đang ở vùng đỉnh của hơn 2 năm trở lại đây, sau biến động lịch sử năm 2022, khiến giá xăng dầu vượt đỉnh, giá cổ phiếu ngành xăng dầu cũng tăng đột biến, phá đỉnh lịch sử.
Hiện OIL giao dịch quanh mức 15.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa doanh nghiệp áp sát mức 16.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn