Hướng tới tăng trưởng tín dụng 16% và xóa bỏ phân bổ "room" tín dụng

Tín dụng tăng chưa nhanh nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc

Theo báo cáo của NHNN tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát vào ngày 11/2/2025, trong năm 2024, NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp.

Qua đó để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỉ giá ổn định.

Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.

NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng).

Trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chưa tăng nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ.

Đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại đạt 19.896,7 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 87% thị phần toàn hệ thống tổ chức tín dụng), tăng 14,9% so với cuối năm 2023.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đạt 9.422,07 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,35% tổng tài sản cả nhóm.

Nhóm 3 ngân hàng thương mại chuyển giao bắt buộc đạt 79,72 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng tài sản cả nhóm.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 10.394,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,24% tổng tài sản của cả nhóm.

Tiếp tục đổi mới phương thức điều hành tăng trưởng tín dụng

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Nhiều chương trình tín dụng hiệu quả được mở rộng và nâng quy mô nhiều lần. Đặc biệt có các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Việc tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng được thực hiện quyết liệt.

NHNN đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn mục tiêu 3%.

Các ngân hàng thương mại không ngừng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện hiệu quả tài chính và duy trì hoạt động kinh doanh có lãi.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2025, Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Đáng chú ý, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới phương thức điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Mục tiêu đặt ra là duy trì tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức khoảng 16%.

Ngoài ra, NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến thực tế, thay vì chờ văn bản đề nghị từ các ngân hàng.

Đồng tình với định hướng này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại diện lãnh đạo ngân hàng đã được đưa ra để góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024.

Việc này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Agribank có thể sớm tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới.

Tổng giám đốc Agribank cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HDBank nêu kiến nghị Chính phủ và NHNN thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn...

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn