Khoáng sản Dương Hiếu sắp phát hành cổ phiếu để tăng vốn

CTCP Thương mại và Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu (MCK: DHM, sàn HoSE) thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông tại ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cung cấp.

Ngày đăng ký cuối cùng là 2/12/2024; tỷ lệ thực hiện 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới.

Khoáng sản Dương Hiếu sắp phát hành cổ phiếu để tăng vốn- Ảnh 1.

Nguồn: DHM

Với hơn 31 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Khoáng sản Dương Hiếu dự kiến phát hành hơn 3,1 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này. Cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn cổ phần không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nguồn vốn thực hiện gồm nguồn quỹ đầu tư phát triển hơn 31 tỷ đồng và hơn 378 triệu đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2023.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý III/2024, lũy lế 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của DHM ở mức hơn 2.609 tỷ đồng; tăng hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn cũng tăng mạnh lên gần 2.589 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của DHM chỉ ở mức hơn 20 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Khoáng sản Dương Hiếu báo lãi ròng 9 tháng năm 2024 vỏn vẹn hơn 3,6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng cộng tài sản của DHM ở mức hơn 827,4 tỷ đồng, giảm 11,26% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp giảm hàng tồn kho từ gần 146,5 tỷ đồng về gần 66,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm hơn trăm tỷ đồng so với đầu năm (từ 455 tỷ đồng về hơn 335 tỷ đồng).

Bên kia bảng kế toán, nợ phải trả tại thời điểm 30/9/2024 cải thiện từ 580 tỷ đồng về hơn 471 tỷ đồng.

Cũng theo BCTC quý III/2024 của DHM, tính đến cuối kỳ báo cáo, DHM ghi nhận khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 140 tỷ đồng, trong đó, đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 50,9 tỷ đồng.

Thuyết minh BCTC cho thấy, khoản đầu tư mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, MCK: TIS) là hơn 48,5 tỷ đồng và đầu tư mua cổ phiếu Công ty CP B.C.H (MCK: BCA) gần 2,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Khoáng sản Dương Hiếu cũng phát sinh khoản phải thu của khách hàng gần 185 tỷ đồng; trong đó, Tisco hơn 16,6 tỷ đồng; B.C.H hơn 55,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) hơn 61,9 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Eco Valley Việt Nam gần 9,5 tỷ đồng;...

Khoáng sản Dương Hiếu sắp phát hành cổ phiếu để tăng vốn- Ảnh 2.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2024 của DHM

Đáng chú ý, từ Khoáng sản Dương Hiếu đến Tisco, B.C.H hay Đầu tư Eco Valley đều có mối quan hệ mật thiết với Thái Hưng- "ông lớn" ngành thép tại tỉnh Thái Nguyên.

Đầu tiên phải kể đến mối quan hệ giữa Thái Hưng với Tisco. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Tisco, tính đến ngày 30/9/2024, Thái Hưng nắm giữ 20% vốn Gang thép Thái Nguyên. Báo cáo này cũng thể hiện, Tisco phát sinh nhiều giao dịch với cổ dông lớn của mình là Công ty Thái Hưng.

Được biết, ông Lê Hồng Khuê là thành viên HĐQT TIS từ tháng 4/2019, được Thái Hưng ủy quyền nắm giữ 12,28% vốn của Tisco.

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của Tisco, ông Lê Hồng Khuê là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Eco Valley Việt Nam. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Khu đô thị Crown Villas (Đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên) - dự án do Thái Hưng làm chủ đầu tư.

Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Eco Valley Việt Nam là 65 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Vinh (vợ ông Lê Hồng Khuê) nắm giữ tới 75% vốn; 10% vốn thuộc về bà Lê Thị Hồng Hạnh (con gái ông Khuê) và 15% còn lại do ông Hoàng Quốc Bình sở hữu.

Quay trở lại với mối quan hệ giữa Thái Hưng và các doanh nghiệp được "nhắc tên" trong BCTC của Khoáng sản Dương Hiếu; B.C.H và Thái Hưng cũng có nhiều liên hệ mật thiết với nhau.

Tháng 5/2024, Thái Hưng mua vào gần 1,9 triệu cổ phiếu BCA của Công ty CP B.C.H; nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,83% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa BCA và Thái Hưng không phải mới bắt đầu từ đây. Tháng 12/2023, CTCP B.C.H đã mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang (TQIS) từ nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, người được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn (hơn 2.167 tỷ đồng) tại TQIS chính là ông Nguyễn Duy Luân - Phó Tổng Giám đốc Thái Hưng.

Không chỉ đứng tên tại một số doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Thái Hưng, ông Luân từng là Chủ tịch HĐQT BCA, đến tháng 6/2022, vị trí này được chuyển sang cho ông Phạm Bá Phú. Giống như ông Phạm Duy Luân, ông Phú cùng 2 nhân sự cấp cao khác của BCA là Tổng Giám đốc Đặng Ngọc Hưng và thành viên HĐQT Nguyễn Tống Thắng đều có liên quan với Thái Hưng.

Ngoài ra, BCTC hợp nhất quý III/2024 của BCA thể hiện, tính đến ngày 30/9/2024, doanh nghiệp này nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị gần 9,8 tỷ đồng của Khoáng sản Dương Hiếu. Đây cũng là mã cổ phiếu duy nhất mà B.C.H đầu tư tại thời điểm cuối quý III/2024.

Bạch Hiền

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn