Khối ngoại bán ròng gần 6,7 tỷ USD trên TTCK Việt Nam trong 5 năm

Khối ngoại bán ròng gần 6,7 tỷ USD trên TTCK Việt Nam trong 5 năm
Ảnh minh họa

Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại với mức tăng trưởng 12%, VN-Index đạt 1.266,8 điểm, tương tự mức tăng của năm 2023. Tuy nhiên, sự rung lắc của thị trường và áp lực bán mạnh từ khối ngoại đã khiến nỗ lực bứt phá của chỉ số sáu lần thất bại khi cố gắng vượt ngưỡng 1.300 điểm kể từ tháng 6/2022.

Trong bối cảnh các nhóm ngành thay phiên nhau kéo nhịp thị trường nhưng thiếu sự đồng thuận, khối ngoại tiếp tục là tâm điểm chú ý với động thái bán ròng kỷ lục, để lại dấu ấn không nhỏ trong tâm lý nhà đầu tư.

Năm qua chứng kiến khối ngoại bán ròng tổng cộng 94.450 tỷ đồng, tương đương 3,7 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 58.000 tỷ của năm 2021. Đây là mức bán ròng lớn nhất trong lịch sử 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Xu hướng bán ròng chiếm lĩnh thị trường kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam năm 2020.

Trong vòng 5 năm qua, khối ngoại đã rút ròng khoảng 170.000 tỷ đồng (gần 6,7 tỷ USD) khỏi thị trường. Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, dù khối ngoại chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch. Dù một số nhận định cho rằng đây là động thái cơ cấu danh mục cục bộ, sự hiện diện của khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung, đặc biệt khi diễn biến mua bán không song hành với sự phát triển của thị trường.

Năm 2024, khối ngoại tập trung bán mạnh ở nhóm bluechips, với VHM (Vinhomes) dẫn đầu danh sách với hơn 19.100 tỷ đồng và kết thúc năm ở mức 40.000 đồng/cp. Xếp sau là cổ phiếu ngân hàng VIB, (-8.260 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ FUEVFVND (Diamond ETF) với 7.200 tỷ đồng. Quỹ Diamond ghi nhận quy mô tài sản giảm 26%, chỉ còn 12.700 tỷ đồng so với đầu năm.

Một số bluechips khác cũng chịu áp lực bán ròng lớn bao gồm FPT (6.400 tỷ đồng), MSN (6.050 tỷ đồng), VRE (5.900 tỷ đồng) và HPG (4.940 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, các giao dịch mua ròng của khối ngoại chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu trên sàn UPCoM. Dẫn đầu là BHI (Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội) với giá trị mua ròng 1.628 tỷ đồng, AIC (1.262 tỷ đồng) và IDC (1.034 tỷ đồng). Các cổ phiếu như SBT, HVN và MCH cũng lọt vào danh sách mua ròng, với giá trị lần lượt là 908 tỷ, 835 tỷ và 727 tỷ đồng.

Sự chênh lệch về lãi suất, tỷ giá cao, và chính sách tiền tệ thắt chặt được xem là những nguyên nhân ngắn hạn khiến dòng vốn ngoại dịch chuyển khỏi các thị trường cận biên như Việt Nam. Nhà đầu tư ngoại tìm đến những thị trường hiệu quả hơn để tối ưu hóa danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, những yếu tố trên không đủ lý giải cho xu hướng bán ròng kéo dài nhiều năm. Vấn đề mấu chốt nằm ở sự thiếu hụt hàng hóa chất lượng trên thị trường. IPO ảm đạm và ít doanh nghiệp niêm yết mới làm giảm cơ hội đầu tư. Kín room ngoại ở nhiều cổ phiếu tiềm năng khiến dòng vốn bị giới hạn. Các yếu tố nội tại doanh nghiệp và thay đổi vĩ mô làm giảm sức hấp dẫn của một số cổ phiếu từng là tâm điểm dòng vốn ngoại.

Dòng vốn ngoại rút mạnh đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để thị trường tái cơ cấu. Việc thúc đẩy IPO, cải thiện tính minh bạch và mở room ngoại sẽ là những bước đi quan trọng để thu hút dòng tiền quốc tế quay trở lại.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn