Nỗi buồn chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam: Con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động
VN-Index kết thúc năm 2024 đầy rung lắc, tổng cộng tăng 12% so với đầu năm lên mức 1.266,78 điểm. Thị trường không có nhiều biến động thuận lợi đặc biệt trong nửa cuối năm. Các nhóm ngành vẫn luân phiên kéo, giữ nhịp thị trường nhưng thiếu sự đồng thuận cần thiết để đưa VN-Index vượt ngưỡng cản quan trọng. Bên cạnh đó, áp lực xả hàng của khối ngoại phần nào khiến thị trường càng khó đi lên.
Với đà bán ròng hàng trăm tỷ, thậm chí lên tới hơn nghìn tỷ đồng mỗi phiên, không quá bất ngờ khi giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam xác lập cột mốc "buồn". Tổng cộng cả năm 202 4, khối ngoại bán ròng gần 94.450 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khoảng 3,7 tỷ USD chảy ra khỏi sàn chứng khoán Việt. Con số này vượt qua mức bán ròng kỷ lục trong lịch sử ghi nhận vào 2021 (trên 58.000 tỷ).
Thực tế, khối ngoại chỉ thực sự dồn dập mua ròng bắt đáy cổ phiếu trong giai đoạn cuối năm 2022 khi thị trường xuống đáy, còn lại xu thế bán ròng vẫn chiếm lĩnh xuyên suốt vài năm trở lại đây. Một số nhận định cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung. Tuy nhiên, phải nói rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của nhà đầu tư nội.
Xét về đà mua bán trên các cổ phiếu cụ thể , cổ phiếu ngân hàng VHM dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng hơn 19.100 tỷ đồng trong cả năm nay. Cổ phiếu VHM trong năm qua ghi nhận diễn biến rung lắc mạnh. Đóng cửa năm, thị giá VHM còn 40.000 đồng/cp, thấp hơn 7% so với đầu năm.
Xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại là mã ngân hàng VIB với giá trị 8.260 tỷ đồng. Danh sách bán ròng trong năm qua còn ghi nhận mã chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị hơn 7.200 tỷ. Quỹ Diamond nhà Dragon Capital này ghi nhận trạng thái rút ròng mạnh trong năm qua, quy mô hiện đạ gần 12.700 tỷ, giảm 26% so với đầu năm. Loạt cổ phiếu Bluechips như FPT (~6.400 tỷ), MSN (6,050 tỷ), VRE (5.900 tỷ), HPG (4.940 tỷ)... cũng nằm trong danh sách những mã bị "xả" hàng mạnh trong năm qua.
Ở chiều ngược lại, trong số các mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong năm 2024, BHI của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội trên sàn UPCoM là cái tên dẫn đầu với giá trị đạt 1.628 tỷ đồng. Đây là hoạt động mua vào của tổ chức DB Insurance Co., Ltd - một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc.
Theo sau cũng là một cổ phiếu UPCoM với AIC, giá trị mua ròng đạt 1.262 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu IDC cũng được khối ngoại mua ròng hơn 1.034 tỷ đồng. Top 10 cổ phiếu được khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm còn có sự hiện diện của SBT với 908 tỷ đồng, bên cạnh đó, HVN và MCH cũng được khối ngoại mua ròng lần lượt 835 tỷ và 727 tỷ đồng trong cả năm 2024.
Cần nói rằng sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá cao... đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại trong thời gian qua. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những yếu tố trên chỉ mang tính ngắn hạn, khó có thể lý giải cho một xu hướng kéo dài nhiều năm qua. Mấu chốt của vấn đề là việc thiếu hàng hóa chất lượng. Trong bối cảnh hoạt động đưa doanh nghiệp lên sàn ảm đạm hơn rõ rệt, các cổ phiếu lọt mắt xanh của khối ngoại lại kín room, các lựa chọn bị thu hẹp đáng kể. Không chỉ vậy, một số cổ phiếu trước đây là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng những thay đổi về vĩ mô và nội tại doanh nghiệp đã khiến dòng vốn ngoại rút ra.
Về mặt lý thuyết, TTCK Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại hàng tỷ USD nếu được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Song câu chuyện vẫn chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Thực tế ghi nhận thị trường sau nhiều năm vẫn dậm chân tại vùng cũ, VN-Index "tàu lượn" quanh 1.200 -1.300 điểm, vốn hoá cũng chưa thể bứt phá hoàn toàn. Từ đó, dòng vốn ngoại đảo chiều trở lại TTCK Việt Nam là việc không đơn giản và sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn. Điểm tích cực là dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào qua các thương vụ mua cổ phần trong các đợt chào bán, mua thoả thuận ngoài sàn. Lực mua không dàn trải mà tập trung vào những doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng với những câu chuyện riêng biệt.
Xem thêm tại cafef.vn