Khối ngoại bắt đầu ‘xả’ cổ phiếu của Thế giới Di động?

Phiên 17/5, trong số 8,96 triệu cổ phiếu MWG được sang tay thì nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 6,5 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng MWG đạt 58 tỷ đồng, đứng thứ tư trong danh sách những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất phiên, đồng thời chấm dứt 15 phiên mua ròng liên tiếp cổ phiếu này.

-4552-1716176214.png

Khối ngoại chấm dứt 15 phiên liên tiếp mua ròng cổ phiếu MWG.

Trước đó, khối ngoại đã gom hàng liên tục kéo dài từ ngày 23/4. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng 2.820 tỷ đồng vào cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ điện máy. Dòng vốn ngoại chảy vào giúp room ngoại tại Thế giới Di động nhanh chóng được lấp đầy.

Dragon Capital là quỹ gom mạnh nhất cổ phiếu Thế Giới Di Động trong giai đoạn vừa qua. Hồi cuối tháng 4/2024, 6 quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital thông báo mua tổng khối lượng 4,65 triệu cổ phiếu, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại Thế Giới Di Động lên 6,35%, tương đương 91,41 triệu cổ phiếu. Cách đây 10 ngày, nhóm này thông báo 7 quỹ thành viên tiếp tục mua tổng cộng khoảng 8 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,45%, tương đương 109 triệu cổ phiếu.

Việc cổ phiếu MWG được khối ngoại “ưu ái” trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng trở lại trong 4 tháng đầu năm 2024.

Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp vẫn diễn ra khi Thế Giới Di Động thực hiện giảm quy mô nhân sự, giải thể đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Trong quý I/2024, Thế giới Di động giảm 7,41% nhân sự so với đầu năm, tương ứng giảm 4.853 nhân viên, về 60.561 nhân viên. Tính từ ngày 30/9/2022 đến ngày 31/3/2024, doanh nghiệp đã giảm 24,5% tổng quy mô nhân sự, tương ứng giảm 19.670 người trong vòng một năm rưỡi.

Xét tổng thể 4 chuỗi chính của doanh nghiệp, gồm Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh và An Khang, từ quý II/2023 đến quý I/2024 đã giảm 4,1% tổng số cửa hàng, từ 5.712 cửa hàng về 5.477 cửa hàng (giảm 235 cửa hàng). Cả 4 chuỗi chính của Thế giới Di động vẫn tiếp tục xu hướng thu hẹp cửa hàng, nhưng tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/5, Thế giới Di động bất ngờ thông qua việc giải thể hai công ty con là CTCP 4KFARM và CTCP Logistics Toàn Tín chỉ trong một thời gian ngắn lấn sân vào 2 lĩnh vực mới.

Được biết, 4KFARM được thành lập ngày 18/9/2020, kinh doanh trong lĩnh vực trồng và chế biến nông sản. Còn Logistics Toàn Tín thành lập ngày 10/11/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Đáng chú ý, mới nhất, ngày 17/5, Thế giới Di động thông báo đã thực hiện rút vốn điều lệ từ 14.633,77 tỷ đồng về 14.622,44 tỷ đồng, tương ứng giảm 1.132.539 cổ phiếu.

Theo Thế giới Di động, doanh nghiệp đang thực hiện tiêu hủy lượng cổ phiếu quỹ hiện có. Tại thời điểm 31/3/2024, Thế giới Di Động đang ghi nhận tổng giá trị cổ phiếu quỹ là 11,33 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 1.132.539 cổ phiếu quỹ với giá trung bình 10.000 đồng/cp.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn