Khối ngoại chi gần 1.100 tỷ đồng mua vào một cổ phiếu ngân hàng nằm trong top tăng trưởng

Phiên giao dịch ngày 15/8, vào thời điểm 10h30, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM tăng 2,51% lên 26.550 đồng/cp, tiếp tục lập đỉnh mới. Khối lượng khớp lệnh đạt 3,8 triệu đơn vị, gấp 6 lần thanh khoản cùng thời điểm của phiên liền trước và dẫn đầu HoSE. Giá trị giao dịch tương ứng là 100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng 23 tỷ đồng HDB. Trước đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng HDB 5 phiên liên tục với tổng số lượng 43,8 triệu đơn vị, bằng 1,5% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá trị mua ròng là 1.098 tỷ đồng.

Khối ngoại chi gần 1.100 tỷ đồng mua vào một cổ phiếu ngân hàng nằm trong top tăng trưởng
Trong 5 phiên, khối ngoại mua ròng HDB với giá trị gần 1.100 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 14/8, khối ngoại đang sở hữu 19,7% cổ phần HDBank, trong khi cổ đông khác nắm giữ 79,3% và cổ đông Nhà nước sở hữu 1%. Hiện ngân hàng này đang lấy ý kiến cổ đông về việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) từ 20% xuống 17,5%.

Động thái này nhằm triển khai hiệu quả các hạng mục chiến lược phát triển của ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định và phù hợp với nhu cầu đầu tư của các cổ đông nước ngoài.

HDB cũng là cổ phiếu được 9 quỹ ETF chú ý, bao gồm: DCVFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF, MAFM VN30 ETF, DCVFMVN Diamond, MAFM VNDiamond, BVFVN Diamond, KIM Growth Diamond, và SSIAM VNFIN Lead ETF, với tổng vốn gần 21.700 tỷ đồng. Trong kỳ cơ cấu danh mục quý III/2024, nhóm này đã mua vào 2,5 triệu đơn vị.

Quỹ "cá mập" Phần Lan - Pyn Elite với quy mô quỹ 789 triệu EUR (khoảng 21.700 tỷ đồng) cũng lựa chọn HDB cho tỷ trọng lớn trong danh mục (chiếm 7,3%).

HDBank - ngân hàng nằm trong top tăng trưởng

Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng ở 27 ngân hàng niêm yết đạt 6% so với cuối năm 2023, với hoạt động giải ngân được đẩy mạnh trong tuần cuối tháng 6. Tuy nhiên, tín dụng giảm trở lại trong tháng 7, làm tăng trưởng tín dụng thu hẹp còn 5,7%. Các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 6 tháng đầu năm bao gồm HDBank, ACB, Techcombank, và MSB.

Nếu tính tăng trưởng tín dụng quý II/2024 so với cùng kỳ quý II/2023, HDB dẫn đầu với mức tăng 35%. Kết quả này chủ yếu nhờ ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp SME, tài trợ chuỗi, tín dụng xanh, và du lịch.

Khối ngoại chi gần 1.100 tỷ đồng mua vào một cổ phiếu ngân hàng nằm trong top tăng trưởng
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 (Nguồn: SSI Research)

Trong quý II/2024, NIM của VPBank đạt 5,6%, cao nhất toàn ngành, theo sau là HDBank với NIM đạt 5,2%. Khoảng cách giữa Top 1, 2 với các ngân hàng còn lại khá lớn khi MBBank và Techcombank cùng đạt 4,3%, kém HDBank 0,9%; tiếp theo là TPBank và VIB với NIM cùng đạt 4,1%.

Tăng trưởng tín dụng cao và NIM lớn đã giúp HDBank đạt lợi nhuận 3.115 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng tăng trưởng mạnh nhất.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank đạt 26,1%, dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, tiếp theo là LPBank, ACB, và MBBank.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn