Khối ngoại giảm mạnh áp lực, đà tăng tiếp tục

Phiên tăng thứ 3 liên tiếp khiến nhà đầu cơ ngắn hạn lãi khá tốt và các giao dịch lướt sóng đã xuất hiện. Thị trường chao đảo một nhịp, có lúc chỉ số đỏ với độ rộng vượt trội bên giảm, nhưng cuối cùng dòng tiền đẩy giá vẫn có hiệu lực. Đặc biệt khối ngoại sáng nay đã giảm mạnh quy mô bán ra xuống mức thấp nhất 13 phiên.

VN-Index chạm đáy lúc 10h45, giảm hơn 1 điểm so với tham chiếu. Độ rộng tại đáy ghi nhận 139 mã tăng/193 mã giảm. Tuy nhiên thời gian còn lại lực cầu đẩy giá khá tích cực, chỉ số kết phiên tăng 3,45 điểm tương đương +0,28%. Độ rộng tốt hơn nhiều với 177 mã tăng/158 mã giảm.

Điểm nhấn sáng nay là giao dịch của khối ngoại đã hạ nhiệt. Tổng giá trị bán ra trên HoSE còn 658,4 tỷ đồng, giảm 40% so với sáng hôm qua. Phía mua đạt 507,2 tỷ đồng, tăng 18%. Mức ròng tương ứng -151,2 tỷ đồng, mức thấp nhất 18 phiên.

Đây là một tín hiệu tích cực vì khối ngoại rút vốn ồ ạt là mối lo lớn nhất thời điểm này, do mối liên hệ với biến động tỷ giá. Mặc dù không có dấu hiệu chắc chắn nào rằng đợt bán ròng dữ dội của khối ngoại đã chấm dứt, nhưng việc dòng tiền trong nước “bỏ qua” những ảnh hưởng này cũng là một thay đổi đáng chú ý.

Thực tế sáng nay khối ngoại vẫn bán ròng 151 tỷ đồng nhưng không có cổ phiếu đột biến. Bị bán nhiều nhất là SSI với -66,8 tỷ đồng, HPG -37,3 tỷ, VPB -21,4 tỷ là đáng kể. Các mã còn lại chỉ bị bán ròng lẻ tẻ. Tổng giá trị bán của khối này chỉ còn chiếm 12,6% giao dịch sàn.

Khối ngoại giảm mạnh áp lực, đà tăng tiếp tục - Ảnh 1

Nhịp phục hồi cuối cùng vẫn được dẫn dắt bởi các cổ phiếu blue-chips khi 9/10 mã kéo điểm khỏe nhất cho VN-Index đều thuộc rổ VN30. Cổ phiếu còn lại là VTP tăng 4,88%. Dù vậy cũng không nhiều blue-chips thật sự xuất sắc. Tăng tốt nhất là GAS với 2,64%, HPG tăng 1,16%, TCB tăng 1,08%, VNM tăng 1,1%. Đây đều là các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa của chỉ số. Độ rộng rổ VN30 cũng chỉ có 13 mã tăng/10 mã giảm và chỉ số đại diện tăng 0,24%. Ảnh hưởng tệ nhất là VHM giảm tới 2,54%, chỉ riêng mã này lấy đi 1,2 điểm của VN-Index.

Do thời gian phục hồi khá ngắn nên biên độ tăng chưa mạnh. Trong 177 mã xanh của HoSE có 58 mã tăng hơn 1%, thanh khoản chiếm 28,2% sàn. Chỉ có 4 mã thanh khoản vượt trăm tỷ trong số này là HPG tăng 1,16% khớp 214,6 tỷ; TCB tăng 1,08% với 165 tỷ; DCM tăng 1,34% với 143,2 tỷ; FRT tăng 1,77% với 111,4 tỷ. Nhóm tầm trung có HAG, VCG, VTP, CSV, HAH, BFC, HHV… tăng khá tốt.

Phía giảm giá tuy cũng có 39 cổ phiếu ghi nhận giảm hơn 1% nhưng gần như tuyệt đối là không có thanh khoản. Thậm chí chỉ có 8 mã trong số này khớp được từ 1 tỷ đồng trở lên. Đáng kể nhất là VHM giảm 2,54% với 160,7 tỷ; KDH giảm 1,07% với 17,9 tỷ; PNJ giảm 1,06% với 15,5 tỷ; DXS giảm 1,33% với 3,3 tỷ.

Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay tăng trở lại hơn 35% so với sáng hôm qua nhưng con số tuyệt đối vẫn rất thấp với 4.557 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt vì lượng cổ phiếu bắt đáy đang có lãi khá tốt và chờ được xả ra. Không ít nhà đầu tư mua thăm dò và không kỳ vọng lại đạt hiệu quả như vậy trong một vòng T+. Nếu nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu đồng nghĩa với kỳ vọng đã thay đổi theo hướng mạnh mẽ hơn.

Xem thêm tại vneconomy.vn