Khối ngoại tiếp tục 'xả', VCI của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng hút tiền
Trong tuần giao dịch từ ngày 17/2 đến 21/2, khối ngoại tiếp tục xu hướng rút ròng với tổng giá trị bán ròng đạt hơn 936 tỷ đồng. Đáng chú ý, lực cung mạnh nhất diễn ra trong phiên 17/2 khi khối ngoại rút ròng 651 tỷ đồng. Ngược lại, phiên 19/2 ghi nhận trạng thái mua ròng với giá trị đạt 394 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, tổng giá trị bán ròng trong tuần qua đạt 946 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào hai phiên 17/2 (-600,25 tỷ đồng) và 20/2 (-390,31 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, phiên 19/2 ghi nhận lực cầu từ khối ngoại với giá trị mua ròng đạt 353,66 tỷ đồng.

Sàn HNX có diễn biến tích cực hơn khi khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng trong 4/5 phiên giao dịch. Ngoại trừ phiên 17/2 bị bán ròng 28,51 tỷ đồng, từ ngày 18/2 đến 21/2, dòng tiền khối ngoại liên tục chảy vào với tổng giá trị mua ròng đạt 151,26 tỷ đồng, trong đó tập trung mạnh vào các phiên 19/2 và 20/2.
Ngược lại, sàn UPCoM chứng kiến áp lực bán ròng kéo dài suốt 5 phiên liên tiếp, với tổng giá trị lên tới 78 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn diễn ra mạnh nhất vào phiên 17/2 (-22,65 tỷ đồng) và 19/2 (-21,59 tỷ đồng).
Các mã cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất bao gồm MWG (-373,6 tỷ đồng), FPT (-277 tỷ đồng), VNM (-186,2 tỷ đồng), GMD (-130,5 tỷ đồng), NLG (-129 tỷ đồng), VCB (-125,6 tỷ đồng), HDB (-116,3 tỷ đồng), SSI (-114 tỷ đồng), FRT (-105,3 tỷ đồng),… Đáng chú ý, FPT quay trở lại danh mục bán ròng của khối ngoại sau khi ghi nhận dòng tiền ròng dương 53,9 tỷ đồng trong tuần trước. Trong khi đó, MWG và VNM tiếp tục là những cổ phiếu chịu áp lực xả ròng kéo dài qua nhiều tuần.

Ở chiều ngược lại, VCI bất ngờ dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại với giá trị 206,9 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9, VCI đón nhận dòng vốn ngoại mạnh mẽ trở lại. Tiếp theo là các cổ phiếu EIB (147,5 tỷ đồng), GVR (138,1 tỷ đồng), SHS (123,3 tỷ đồng), HPG (117,6 tỷ đồng), SHB (106 tỷ đồng), TCH (93,2 tỷ đồng), GEX (91,9 tỷ đồng), VHM (73,3 tỷ đồng),… Đáng chú ý, SHS, GEX và TCH duy trì xu hướng thu hút dòng tiền ngoại trong nhiều tuần liên tiếp.
VN-Index khép lại tuần giao dịch ngày 21/2 ở mức 1.296,8 điểm, ghi nhận chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp sau khi giảm điểm trong phiên đầu tuần (17/2). Thanh khoản thị trường giảm 3,5% so với phiên trước đó, với hệ số P/E hiện tại đạt 14,9x, thấp hơn mức trung bình 10 năm (16,6x).
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, VN-Index xuất hiện rung lắc khi tiệm cận ngưỡng 1.300 điểm, tuy nhiên lực cầu hấp thụ tốt giúp chỉ số đóng cửa tại mức cao nhất trong phiên, phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Thanh khoản duy trì trên mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động sôi động.
Trong bối cảnh hiện tại, để xác nhận xu hướng tăng bền vững, VN-Index cần bứt phá thành công mốc 1.300 điểm kèm theo sự cải thiện về thanh khoản. Ngắn hạn, thị trường có thể xuất hiện biến động mạnh, do đó, nhà đầu tư dài hạn nên duy trì danh mục hợp lý, trong khi các chiến lược giao dịch ngắn hạn cần linh hoạt, tránh hiệu ứng FOMO khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng cần theo dõi hiện tại nằm ở mức 1.280 và 1.300 điểm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn