Khu vực công nghiệp và đầu tư công khởi đầu năm 2025 tích cực

Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8%, cao hơn nhiều so với mức 6,5-7% trước đó. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hai chữ số từ năm 2026 trở đi. Dự kiến, quy mô GDP của Việt Nam sẽ vượt 500 tỷ USD vào năm 2025, với GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công thêm 84,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD) và điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát lên 4,5-5%. Những thay đổi này sẽ tạo thêm dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất.

Nhiều động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao

"Theo ước tính của chúng tôi, việc nâng tỷ lệ hoàn thành của kế hoạch đầu tư công từ mức 85% vào năm 2024 lên mục tiêu 95% của Chính phủ cho năm 2025 có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 tăng thêm 1,4 điểm %".

Nhiều động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao
Ông Đinh Quang Hinh

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 giảm 9,2% so với tháng trước, nhưng lại tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đã lấy đà ngay từ đầu năm, thay vì chậm lại do tâm lý nghỉ Tết như những năm trước. Đầu tư công cũng ghi nhận kết quả tích cực khi vốn nhà nước thực hiện tăng 9,6% so với cùng kỳ, giúp thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ đang nỗ lực để có sự "khởi đầu" mạnh mẽ hơn về đầu tư công. Tờ trình về Đề án bổ sung phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Chính phủ gửi Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh đầu tư công là một động lực quan trọng để thúc đẩy GDP tăng trưởng với đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công lên 857,5 ngàn tỷ đồng (36 tỷ USD), tăng 11% so với kế hoạch trước đó và tăng 38% so với năm 2024. Mới đây nhất, trong kỳ họp không thường lệ lần thứ 9 vừa diễn ra, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công cho năm 2025 theo tờ trình của Chính phủ.

Về thương mại, ông Đinh Quang Hinh phân tích, xuất khẩu tháng 1/2025 đạt trên 33 tỷ USD, giảm nhẹ 6,6% so với tháng trước nhưng vẫn tốt hơn mức giảm mạnh của năm 2024.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng thực (sau điều chỉnh lạm phát) đạt 6,6%. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 36,9%, đạt 2,1 triệu lượt trong tháng 1/2025, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ.

Thêm dư địa để mở rộng chính sách tiền tệ

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện hàng loạt biện pháp để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Tuy vậy, dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hiện đang bị hạn chế, đến từ việc đồng USD liên tục neo cao. Để ứng phó với tình hình, NHNN đã chủ động tăng tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách thông qua việc nâng mục tiêu kiểm soát lạm phát và hiện tăng giá bán can thiệp USD từ 25.450VNĐ/USD lên 25.698VND/USD.

Nhiều động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao

Theo dữ liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19% kể từ đầu năm vào ngày 3/2/2025 bất chấp tháng Tết phản ánh nhu cầu tín dụng cải thiện. Về các mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, tín dụng tăng 2% thường đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP. Như vậy, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm nay tương ứng với mục tiêu tăng trưởng 8%, còn nếu tăng trưởng GDP ở mức 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 18-20%.

Do đó, chuyên gia của VNDirect nhận định, các ngân hàng có thể sẽ ưu tiên tăng vốn và đẩy tín dụng ngay từ đầu năm để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn mạnh hơn tới các DN.

Về tác động do biến động chính sách thương mại toàn cầu, các chuyên gia nhận định. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu mang lại cả cơ hội và rủi ro đối với triển vọng xuất khẩu Việt Nam.

Điều đáng chú ý là Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế tăng thêm do mức thuế hiện hành đối với Việt Nam đã là 25% đối với mặt hàng thép và do đó động thái này có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng thép từ Việt Nam.

Mới đây nhất, Tổng thống Trump cũng đề cập đến kế hoạch công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa từ các quốc gia áp dụng mức thuế quan cao đối với Mỹ trong thời gian tới, trong đó chỉ ra vài mục tiêu bao gồm ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm. Tuy vẫn đang tạm thời ở ngoài "tâm bão" nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý các DN Việt cần sẵn sàng với những rủi ro liên đới khi Mỹ thay đổi chính sách với các nền kinh tế có thặng dư thương mại./.

Các chuyên gia đánh giá, phía Việt Nam đã và đang nỗ lực xúc tiến các hành động để giảm thiểu rủi ro trở thành mục tiêu tiếp theo của thuế quan Mỹ. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng tốc đàm phán và thực thi các thỏa thuận thương mại với Mỹ.