Khối ngoại tiếp tục bán ròng có đáng lo? |
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Bá Khương – chuyên gia thuộc Khối Phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, thị trường ETF tại Việt Nam trong tháng 1/2025 tiếp tục ghi nhận xu hướng rút ròng đáng kể. Cụ thể, tổng giá trị rút ròng trong tháng đạt hơn 595 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự thoái vốn của các quỹ lớn như VanEck Vector Vietnam ETF (423 tỷ đồng), DCVFM VN30 ETF (hơn 122 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam ETF (88 tỷ đồng) và Fubon FTSE Vietnam ETF (58 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng rút vốn nói trên, thị trường vẫn chứng kiến một số điểm sáng khi quỹ Mirae Asset VN30 ETF và DCVFMVN Diamond ETF ghi nhận dòng vốn vào ròng với giá trị lần lượt hơn 56 tỷ đồng và 54 tỷ đồng.
![]() |
Không chỉ ghi nhận sự thoái vốn từ các quỹ ETF, khối ngoại cũng gia tăng áp lực bán ròng trở lại với tổng giá trị lên đến hơn 7.130 tỷ đồng, trong đó hoạt động rút vốn từ các ETF đóng góp khoảng 8,3%. Trong tháng, khối ngoại đã bán ròng 6.860 tỷ đồng trên sàn HoSE, 82 tỷ đồng trên sàn HNX và 186 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Trong tháng 1/2025, những cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất từ khối ngoại bao gồm VIC, FPT, STB, CTG và SSI. Ở chiều ngược lại, các mã như HDB, LPB, VGC, KBC và MSN lại được khối ngoại mua ròng nhiều nhất. |
Xu hướng bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh chỉ số Dollar Index và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, phản ánh sự thận trọng của giới đầu tư toàn cầu. Thêm vào đó, các biện pháp thuế gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2025, qua đó hạn chế dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong lộ trình cắt giảm lãi suất.
Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2025, nhưng mức độ điều chỉnh có thể không mạnh như kỳ vọng trước đó. “Chúng tôi cho rằng, chừng nào Fed chưa có dấu hiệu thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, dòng vốn ngoại vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại các thị trường cận biên như Việt Nam” – chuyên gia từ Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh.
![]() |
Đồng quan điểm, theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán VPS, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã diễn ra trong một thời gian dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tốc độ bán ròng đã tăng đáng kể từ đầu tháng 2. Nếu như trong tháng 1, giá trị bán ròng chỉ vào khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, thì tính đến ngày 19/2, con số này đã vượt mốc 7.000 tỷ đồng, cho thấy áp lực bán từ khối ngoại vẫn tiếp diễn.
Nhìn lại diễn biến trong thời gian qua, có thể thấy tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng giảm dần. Nếu như vào tháng 9 và tháng 10/2023, khi khối ngoại bán ròng mạnh, thị trường giảm hơn 200 điểm, thì đến tháng 4/2024, dù tiếp tục bán ròng với quy mô lớn, mức giảm của thị trường chỉ còn hơn 100 điểm. Đặc biệt, những đợt điều chỉnh gần đây cho thấy biên độ giảm điểm ngày càng thu hẹp. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia từ VPS cũng cho rằng, dòng tiền nội địa vẫn đang thể hiện sự vững vàng, thậm chí ngày càng tích cực. Thị trường liên tục ghi nhận nhiều cổ phiếu thay nhau thiết lập các mức đỉnh mới – một tín hiệu rất lạc quan. Không có thị trường nào bị xem là tiêu cực khi nhiều cổ phiếu vẫn đang duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ.
Với những diễn biến này, triển vọng của thị trường trong thời gian tới được đánh giá là khá tích cực. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục chinh phục mốc 1.300 điểm và hướng đến những vùng đỉnh cao hơn trong năm 2025./.