Không có rủi ro đáng kể, sàn 200 tỷ USD của Việt Nam bứt phá năm tới?

Lời tòa soạn: Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đã "vượt ngàn chông gai" để về đích với những con số ấn tượng về tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài,... Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân... nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Cùng VietNamNet điểm lại những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2024 với niềm tin mới, sức sống mới cho chặng đường tiếp theo.

Bài 1 - Vượt cú sốc, thế mạnh Việt bội thu, loạt kỷ lục tỷ USD
Bài 2 - Kinh tế 2024: Nhiều kỷ lục, 'đại bàng' tỷ USD dọn ổ dù thận trọng bao trùm

Vượt qua sức ép khối ngoại

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2024 khá kiên cường, vẫn duy trì được mức tăng hai con số (khoảng 12%) cho dù sức ép bán ròng từ khối ngoại là rất lớn, gần 4 tỷ USD trong cả năm.

Sức ép tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đồng USD mất khoảng 4,4% khiến sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam suy giảm. Tới cuối năm, VN-Index không thể bứt qua nổi 1.300 điểm, phần lớn thời gian trong năm quanh quẩn ở mốc 1.200 điểm vốn đã được xác lập từ năm 2006. Hệ thống giao dịch chứng khoán KRX do Hàn Quốc thiết kế tiếp tục lỡ hẹn, chưa thể “go live”. Chứng khoán chưa được nâng hạng.

Giao dịch trầm lắng, dòng tiền vào TTCK khá thận trọng.

Dù vậy, TTCK trong năm 2024 nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng, với quy mô thị trường cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt gần 7,09 triệu tỷ đồng (khoảng 278 tỷ USD), tăng khoảng 19% so với cuối năm trước và tương đương hơn 69% GDP.

Tổng tài khoản cá nhân tăng khoảng 25%, lên 9,15 triệu tài khoản, tương đương 9% dân số.

Một điểm nhấn trên TTCK trong năm 2024 là những thay đổi về chính sách. Khung pháp lý thị trường chứng khoán được điều chỉnh, sửa đổi nhằm tháo gỡ nhiều tồn tại cản trở. Đó là Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, xử lý nghiêm gian lận, lừa đảo... Thông tư 68 gỡ các nút thắt nâng hạng thị trường. Thông tư mới quy định, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (non pre-funding). Đây là một trong các yếu tố quan trọng để nâng hạng.

chungkhoanHH27 Ok.jpg
Thị trường chứng khoán được kỳ vọng tăng điểm mạnh hơn trong năm 2025. Ảnh: HH

Trong tuần cuối cùng của năm 2024, TTCK được dự báo sẽ dần ổn định sau khi giới đầu tư bình tĩnh hơn đối với lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” của Mỹ trong năm tới.

Thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực khi những thông tin tiêu cực phần lớn đã được phản ánh vào giá.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, chỉ số VN-Index có thể lên vùng quanh 1.270 điểm vào cuối năm, sau khi giữ vững được ngưỡng hỗ trợ 1.250-1.260 điểm.

Chứng khoán 2025 sẽ bứt phá?

Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, ông Michael Kokalari nhận định, 2025 là một năm đầy biến động với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, TTCK sẽ ổn định vào nửa cuối năm sau.

Theo chuyên gia VinaCapital, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong năm 2025 khi có thông tin rõ ràng rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không nhắm vào Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, từ 13% trong năm 2024 dự báo vọt lên 17% trong năm 2025, sẽ là yếu tố hút dòng tiền ngoại.

Ông Michael Kokalari đánh giá, rủi ro chính sách Donald Trump đối với Việt Nam là “không đáng lo”. Chính sách thuế quan của ông Trump ít gây gián đoạn nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam và Mexico là hai quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ. Để tránh bị Tổng thống Trump đưa vào tầm ngắm trong tương lai, chúng ta cần có những bước đi nhanh để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Chuyên gia VinaCapital lưu ý, những lo ngại về thuế quan của ông Trump, kết hợp với tăng trưởng xuất khẩu và GDP chậm lại, có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị VND trong nửa đầu năm 2025, khiến VN-Index biến động mạnh.

Đặc biệt là lo ngại về dự luật Mỹ đề xuất hủy bỏ Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Trung Quốc, một sự leo thang lớn trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, làm xáo trộn thị trường chứng khoán châu Á.

Trong nửa cuối năm 2025, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc nếu Chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế, như đầu tư công, rót vốn vào hạ tầng, cải cách kinh tế,... và áp lực tỷ giá USD-VND có thể giảm. Thị trường bất động sản, chi tiêu tiêu dùng được kỳ vọng hồi phục trong năm 2025.

Định giá cổ phiếu Việt vẫn khá hấp dẫn với tỷ lệ P/E dự phóng là 12 lần, thấp hơn 20% so với mức định giá của các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging market - EM) vào năm 2026.

Trước đó, Chứng khoán MBS dự báo VN-Index sẽ lên 1.420 điểm trong năm 2025. Hiện nhiều nhóm cổ phiếu có định giá thấp hơn trung bình 3 năm. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể đạt 18-19% giai đoạn 2025-2026.

Nhiều chuyên gia từ các công ty chứng khoán có cái nhìn tích cực đối với chứng khoán Việt, với kỳ vọng VN-Index lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2025 nhờ “sóng nâng hạng thị trường”.

Những dự báo vĩ mô tích cực, với GDP 2025 có thể đạt 7-7,5% và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam... sẽ hỗ trợ chứng khoán Việt.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn