‘Khúc quanh’ tăng giá nguyên liệu đang thách thức doanh nghiệp chế biến nông sản
Mặc dù xuất khẩu (XK) trong quý 1/2024 đã tăng vọt (đạt 147.000 tấn, trị giá 782 triệu USD, lần lượt tăng 32% và 20,5% so với cùng kỳ năm trước), thế nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến hạt điều XK hiện vẫn đang căng mắt để theo dõi diễn biến tỷ giá USD có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu
Bởi lẽ, lĩnh vực này phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu điều thô (đa phần thanh toán bằng USD), đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu điều từ Châu Phi (bình quân mỗi năm nhập hơn 2 triệu tấn). Và một khi tỷ giá USD tăng sẽ tác động lên chi phí giá thành sản phẩm, để có lợi nhuận thì buộc các DN phải tính toán lại giá bán cũng như các đơn hàng XK.
Do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu, nên một khi tỷ giá USD tăng sẽ tác động lên chi phí giá thành sản phẩm của các DN chế biến hạt điều. |
Như ghi nhận hôm 8/4 cho thấy giá USD trong các ngân hàng thương mại đi ngang, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng duy trì ở mức 24.038 đồng. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục đi lên, tăng vượt 25.500 đồng.
Trong đánh giá gần đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do đã tăng lần lượt 2,1% và 3,4% so với đầu năm. Tỷ giá được cho là sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao lâu hơn so với dự báo trước đây, dao động quanh vùng 24.780 – 25.000 đồng (tăng 200 điểm so với dự báo cũ).
Không chỉ với vấn đề tỷ giá, theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, tình trạng tăng giá điều nguyên liệu còn do tình hình vụ mùa điều năm nay của thế giới và Việt Nam không được thuận lợi do tác động của biến đổi khí hậu, các yếu tố về tình hình chính trị, một số nước cấm XK…
Còn ở ngành hàng cà phê với mức giá trong nước hiện đang tăng mạnh trở lại, vượt mốc 103.000 đồng/kg. Với mức giá quá cao như vậy đã ảnh hưởng đến các DN chế biến cà phê XK. Bởi vì, do giá leo thang nên họ không thể mua dự trữ. Và trong trường hợp nhập khẩu được, DN chỉ dám mua số lượng nhỏ giọt để chế biến và giao cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trước đó.
Một chủ DN chế biến cà phê Robusta cho biết công ty đã ký đơn hàng với các khách hàng Mỹ, Hàn Quốc với cam kết giao hàng trong quý I/2024 nhưng hiện tại gần như không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao gấp 3 - 4 lần so với giá trước đó. Do đó, nếu càng xuất nhiều, DN càng lỗ nhiều và thậm chí không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành hồ tiêu. Giá hồ tiêu đang duy trì ở mức cao, trong khoảng 92.500 - 94.000 đồng/kg. Tháng 4/2024 là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch nhưng nguồn cung lại đang thiếu, trong bối cảnh sản lượng năm nay thấp và giá nguyên liệu cao nên nhiều DN đang phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu, trong đó có nhập khẩu từ quốc gia láng giềng là Campuchia.
Tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 7.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 7.663 tấn, tiêu trắng đạt 325 tấn, so với cùng kỳ năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 2,2%.
Hoặc như ở lĩnh vực chế biến tôm XK. Tình hình tôm nguyên liệu được dự đoán có thể tiếp tục tăng giá do thiếu hụt vì tình hình nuôi gặp khó khăn. Điều này khiến ác DN tôm gặp khó vì giá thành tôm cao, khó cạnh tranh trên thị trường XK. Do đó, để tìm đường cứu mình thì DN cũng tìm cách nhập tôm nguyên liệu giá rẻ từ các nước để chế biến, duy trì hoạt động, giữ chân người lao động.
Cần chiến lược mua bán hợp lý hơn
Nhìn vào việc DN chế biến nông sản XK đang phải “nai lưng” với nhập khẩu nguyên liệu để thấy đó là cả khúc quanh cam go đối với họ. Đặc biệt là đối mặt rủi ro tỷ giá USD tăng cao sẽ càng làm tăng giá nguyên liệu. Khi nhập hàng về, DN phải mất thời gian chế biến, rồi phải có đơn hàng XK ngay để giảm thiểu tình cảnh nhập giá cao nhưng lại bán giá thấp dẫn đến thua lỗ.
Có thể thấy trong chuyện giá nguyên liệu tăng thì chi phí sản xuất tăng là lẽ đương nhiên. Các DN chế biến nông sản cũng nên tham khảo thêm về xu hướng về báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến trong dự báo quý 2/2024 của Tổng cục Thống kê. Theo đó, có 90,8% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (22,8% tăng, 68,0% giữ nguyên), 9,2% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Ngoài ra, nhận định về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý 2/2024 so với quý 1/2024, có 91,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên (17,4% tăng, 74,2% giữ nguyên), 8,4% DN dự báo giảm.
Chính vì vậy, điều mà các DN chế biến nông sản cần làm trong thời gian tới là nên tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá nguyên liệu đầu vào và giá đầu ra để cân đối nguồn hàng và đưa ra chiến lược mua - bán hợp lý hơn.
Chẳng hạn với các DN ngành điều. Trước việc tăng giá nguyên liệu như vậy, để ứng phó, nhiều DN sẽ phải tính toán, cân nhắc khi nhập khẩu điều thô, cân đối giá nguyên liệu và giá điều nhân. Họ cũng tìm cách cơ cấu giảm sản xuất, có động tác giảm mua để ép giá điều thô nhập khẩu, cũng như tăng giá điều nhân để đảm bảo có lợi nhuận.
Giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN chế biến nông sản mà đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là cần thường xuyên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để từ đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt là lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nên tạo cơ hội để các DN chế biến nông sản được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước hoặc ở một số quốc gia với mức giá hợp lý hơn. Hơn nữa, nên có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên liệu cho các DN.
Trong chuyện này cũng nên thấy rõ tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước bằng cách xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững hơn. Để từ đó người nông dân và DN đều cùng hưởng lợi dù cho giá cả nguyên liệu có tăng cao. Còn một khi chuỗi liên kết lỏng lẻo, buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài thì “khúc quanh” đầy cam go này sẽ còn tiếp diễn.
Thế Vinh
Xem thêm tại vnbusiness.vn