Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC): Vẫn còn lỗ luỹ kế 264,4 tỷ đồng và sử dụng 979,6 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn

Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC): Vẫn còn lỗ luỹ kế 264,4 tỷ đồng và sử dụng 979,6 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn

Lỗ luỹ kế 264,4 tỷ đồng

Trong quý III/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 171,73 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 54,04 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,99 tỷ đồng, tức tăng thêm 61,03 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 37,8%, lên 60,4%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 104,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 53,02 tỷ đồng, lên 103,74 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 4,8%, tương ứng giảm 1,4 tỷ đồng, về 27,58 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 1,2%, tương ứng tăng thêm 0,28 tỷ đồng, lên 24,56 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 406,63 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 104,17 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 328,69 tỷ đồng, tức tăng thêm 432,86 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.441 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 407,8 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024 với lãi 104,17 tỷ đồng, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương mới chỉ hoàn thành 25,5% so với kế hoạch năm.

Được biết, trước đó, trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã ghi nhận lỗ 402,8 tỷ đồng.

Mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm 2024, tính tới 30/9/2024, tổng lỗ luỹ kế của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vẫn còn 264,4 tỷ đồng, bằng 26,4% vốn điều lệ (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng).

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 979,6 tỷ đồng

Tính tới 30/9/2024, tổng tài sản của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm 2,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 95,8 tỷ đồng, về 3.514,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 2.135,2 tỷ đồng, chiếm 60,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 480,3 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 415,2 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng tài sản; và các khoản mục khác.

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 8,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 133,9 tỷ đồng, về 1.445,6 tỷ đồng và bằng 161,8% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 839,2 tỷ đồng). Ngược lại, tổng tiền mặt thời điểm cuối quý III chỉ còn 12,8 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, tại thời điểm 30/9/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đang ghi nhận nợ ngắn hạn là 1.928,5 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 948,9 tỷ đồng.

Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 979,6 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đang sử dụng 979,6 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu TDC tăng 70 đồng lên 9.920 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn