KRX không phải là tiêu chí xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

KRX không phải là tiêu chí xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Tuần trước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có ý kiến đối với đề xuất của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) về việc chấp thuận vận hành chính thức hệ thống công nghệ thông tin KRX. Theo đó, UBCK cho rằng HoSE chưa có báo cáo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và chưa có ý kiến của các đơn vị thụ hưởng (HNX, VSDC) đối với hệ thống KRX là chưa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Ngay sau khi có ý kiến của UBCK, HoSE đã có văn bản đề nghị các công ty chứng khoán dừng thực hiện kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch KRX, trước đó được dự kiến tiến hành vào ngày 2/5.

Động thái nói trên làm dấy lên lo ngại trong một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây là một lo ngại không cần thiết và đáng có. Bởi, việc chuyển đổi hệ thống giao dịch chứng khoán không phải là một tiêu chí để các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI đưa vào bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng một thị trường chứng khoán.

Tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell và MSCI

Tại một hội thảo về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây không lâu, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho biết, theo báo cáo xếp hạng mới nhất của FTSE Russell, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng. Tiêu chí không đạt là Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) (hiện được đánh giá là "Hạn chế" –Restricted), do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch), và tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm (do nhà đầu tư cần có tiền trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại). Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Chưa hết, Việt Nam cũng chưa có một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài.

Bảng 1: Các tiêu chí để trở thành thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE và mức độ đáp ứng của Việt Nam

(Nguồn: FTSE Russell)

(Nguồn: FTSE Russell)

“Như vậy, về cơ bản thì Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn những tiêu chí để được FTSE nâng hạng thị trường”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Với MSCI thì tình hình kém tích cực hơn. Theo báo cáo mới nhất, MSCI nêu ra 9 tiêu chí mà TTCK Việt Nam chưa đáp ứng gồm: (1) Giới hạn sở hữu nước ngoài; (2) "room" khối ngoại còn lại; (3) Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; (4) Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; (5) Luồng thông tin; (6) Thanh toán bù trừ; (7) Khả năng chuyển nhượng không qua sàn; (8) Cho vay chứng khoán; và (9) Bán khống.

Bên cạnh đó, Báo cáo của MSCI cũng chỉ ra hai điểm cần cải thiện là: (i) Đăng ký tài khoản: hiện nay, các nhà đầu tư bắt buộc phải đăng ký giao dịch và việc thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và (ii) Quy định thị trường: có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến TTCK chưa có bản tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận.

Bảng 2: Mức độ đáp ứng các tiêu chí xếp hạng thị trường mới nổi của Việt Nam (theo tiêu chí hiện hành của MSCI)

"+ +": không có vấn đề; "+": không có vấn đề nghiêm trọng, có thể cải thiện; "-": có vấn đề cần được cải thiện. (Nguồn: MSCI)

"+ +": không có vấn đề; "+": không có vấn đề nghiêm trọng, có thể cải thiện; "-": có vấn đề cần được cải thiện. (Nguồn: MSCI)

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng của Chính phủ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" (được phê duyệt tại Quyết định 242/2019/QĐ-TTg ngày 28/2/2019), đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm và đồng hành của lãnh đạo các cấp, nhất là của Chính phủ và bộ ngành liên quan, cùng với quá trình thực thi hiệu quả của các tổ chức tự quản, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Mới đây nhất, hồi tuần trước UBCK đã có buổi làm việc trực tuyến với Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) về các nội dung trong dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều quy định về giao dịch chứng khoán nhằm tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến các tiêu chí để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài WB, ASIFMA còn có đại diện một số nhà đầu tư nước ngoài như Citibank, BlackRock tham gia buổi làm việc.

Các vấn đề được thảo luận bao gồm hệ thống giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn