Kỳ vọng sự cải thiện của dòng tiền

Chứng khoán Mỹ hồi phục ấn tượng

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm tích cực trong tuần qua, lấy lại đà tăng sau tuần rung lắc trước đó, dù tình hình địa chính trị tiếp tục căng thẳng khi Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ sản xuất trên lãnh thổ Nga.

Tâm điểm trong tuần là loạt báo cáo kết quả kinh doanh từ các nhà bán lẻ lớn, với kỳ vọng được hỗ trợ bởi dữ liệu bán lẻ tích cực công bố cuối tuần liền trước. Trong đó, Walmart công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 vượt kỳ vọng, doanh thu tăng trưởng 5,5%, cao hơn dự báo tăng 4,3%. Công ty ghi nhận lưu lượng khách hàng gia tăng trên hầu hết các mảng kinh doanh, cho thấy người tiêu dùng Mỹ duy trì sức mua ổn định trước khi bước vào mùa lễ hội cuối năm. Nvidia, công ty hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với vị trí số một toàn cầu về vốn hóa cũng công bố kết quả kinh doanh quý III năm nay vượt kỳ vọng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ trong tuần qua sau chuỗi tuần tăng liên tiếp. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,4%. Nếu tính kể từ mức đáy tháng 9/2024, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 0,8%, phản ánh sự điều chỉnh kỳ vọng của thị trường về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đặc biệt, trong bài phát biểu gần đây tại Dallas, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng, kinh tế Mỹ hiện không phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Fed cần vội vàng giảm lãi suất. Mặc dù quan điểm này có tác động ngắn hạn, nhưng củng cố kỳ vọng rằng, nền kinh tế duy trì được nền tảng vững chắc, hỗ trợ tâm lý lạc quan và định hình danh mục trong dài hạn.

Phía thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần lớn cũng tăng điểm. Thị trường Nhật Bản vẫn chứng tỏ sức hút lớn với các thương vụ mua bán cổ phần đáng chú ý gần đây như Quỹ đầu tư KKR của Mỹ nâng giá chào mua cổ phần của Fuji Soft, nhà phát triển hệ thống của Nhật Bản, lên 9.451 Yên/cổ phiếu, vượt mức 9.450 Yên/cổ phiếu của đối thủ Bain Capital. Ngoài ra, về dữ liệu vĩ mô, lạm phát toàn phần của xứ sở Hoa anh đào giảm xuống 2,3% trong tháng 10/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi (loại trừ thực phẩm tươi sống và năng lượng) tăng lên 2,3%, cao hơn mức 2,1% của tháng 9. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiên định với mục tiêu tạo “vòng tròn lành mạnh” giữa lương và giá cả. Dữ liệu cho thấy, lạm phát giảm nhưng chưa đạt mức bền vững, khiến BoJ có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

VN-Index bật dậy từ vùng hỗ trợ

Tín hiệu bật dậy từ vùng hỗ trợ mạnh về tâm lý cũng như kỹ thuật quanh vùng 1.200 điểm đã giúp VN-Index “đổi màu” thành công và tăng điểm trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 và mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu tăng giá tích cực khi nhận được sự chú ý của dòng tiền trong các phiên hồi phục trong tuần và đóng vai trò nâng đỡ, dẫn dắt sự vận động đi lên của thị trường chung. Tâm lý nhà đầu tư theo đó được giải tỏa, cải thiện hơn, đặc biệt trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, với kỳ vọng kịch bản hồi phục sẽ tiếp diễn.

Dù lực cầu bắt đáy quanh vùng hỗ trợ 1.200 điểm khá mạnh, nhưng thanh khoản trong tuần qua vẫn ở dưới mức bình quân 20 phiên, cho thấy yếu tố tiết cung là động lực chính giúp chỉ số tăng điểm. Do đó, thanh khoản vẫn là yếu tố cần được theo dõi và dưới góc nhìn kỹ thuật, nhịp tăng của VN-Index đang được đánh giá là nhịp hồi phục kỹ thuật từ vùng hỗ trợ.

Mục tiêu gần nhất mà VN-Index cần hướng tới trong tuần này nằm ở ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.240 điểm. Tại đây, lượng cung tiềm năng có thể sẽ gia tăng hiện khi nhu cầu cơ cấu danh mục của nhiều vị thế bị kẹt trước đó xuất hiện, bên cạnh lượng cung tích lũy trong các phiên tăng điểm vừa qua. Theo đó, lượng cung ở vùng giá 1.240 điểm sẽ lớn dần, hiện tượng rung lắc khó tránh khỏi, gây ra biến động điều chỉnh và ngăn cản đà hồi phục chung của thị trường. Ngược lại, đây cũng là thời điểm để các giao dịch ngắn hạn xác nhận xu thế chính, với các cơ hội mua mới trên diện rộng. Nếu sự tự tin của bên cầm cổ cổ phiếu và bên cầm tiền tăng dần thì kịch bản thị trường chạm đáy sẽ được nối tiếp bằng sóng tăng mới.

Các chỉ báo định lượng ghi nhận tín hiệu hồi phục và ủng hộ cho nhịp hồi phục kỹ thuật trong tuần qua. Dòng tiền hiện diện theo hướng cải thiện ở trên tất cả các nhóm cổ phiếu xét theo vốn hóa. Tuy nhiên, trạng thái hồi phục trên các nhóm cổ phiếu vẫn đang ở mức thấp và lực cầu chưa có sự cải thiện quyết liệt. Nếu như có sự kích hoạt dòng tiền mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cầu chủ động cải thiện trong tuần này thì tác động kéo chỉ số sẽ dễ dàng hơn và tạo sự tin cậy hơn cho các giao dịch ngắn hạn.

Nhìn chung, thay vì tiếp tục giảm thì VN-Index đã ghi nhận tăng điểm trở lại trong tuần qua, giúp tâm lý giao dịch được cải thiện. Dù chưa xác nhận bước vào xu thế tăng mới nhưng ít nhất cũng mở ra kỳ vọng trở lại xu thế tăng với vùng cân bằng đầu tiên đã được thiết lập. Theo đó, các vị thế ngắn hạn cần tiếp tục theo dõi quá trình vận động của chỉ số để từ đó xem xét kích hoạt điểm mua thăm dò, đặc biệt đối với các cổ phiếu có nền giá và thu hút sự chú ý của dòng tiền. Đối với các vị thế trung và dài hạn, các nhịp điều chỉnh sẽ tạo ra cơ hội tích lũy với mức giá chiết khấu tối ưu, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và định giá hấp dẫn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn