Kỳ vọng tiếp mạch tăng

Các nhóm vốn hóa lớn phân hóa

Khái quát thị trường nửa đầu năm 2024, ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc cho biết, VN-Index tăng 10% và diễn biến giá cổ phiếu trong các nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường có một số nét đáng chú ý.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, VCB tăng giá nhẹ, CTG tăng 14%, BID có diễn biến giá kém nhất. Với nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh, ấn tượng nhất là LPB tăng khoảng 77%, kế đến là TCB tăng 43%, MBB tăng 19%, ACB và HDB cũng có mức tăng tốt. Hai mã “kém cỏi” trong diễn biến giá là VPB và SSB.

Tại nhóm bất động sản, tệ nhất là VHM và VIC khi khối ngoại không ngừng bán ra, khiến VRE bị ảnh hưởng theo. NVL thì vẫn “ngụp lặn” với câu chuyện trái phiếu và tái cấu trúc. DXG, PDR, HUT cùng chung tình cảnh có diễn biến giá yếu kém.

Trong nhóm tiêu dùng, cổ phiếu MCH ghi nhận mức tăng giá 152% khi có kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE trong quý II/2025, tác động tích cực tới cổ phiếu MSN. Giá VNM và SAB nhìn chung đi ngang, hầu như không thay đổi so với đầu năm.

Với nhóm công nghệ, “bộ đôi” FPT và FOX tăng giá mạnh nhờ xu hướng chuyển đổi số, nhu cầu về dịch vụ viễn thông và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, ông Kiên nhận xét một số cổ phiếu cao su, bán lẻ, hàng không như GVR tăng 58% do nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ giá cao su tăng và triển vọng mảng bất động sản công nghiệp; DGC tăng 28% chủ yếu nhờ có quỹ đầu tư mua vào; MWG tăng 49% do chuỗi Bách hóa xanh bắt đầu có lãi; cổ phiếu HVN tăng 171% khi hãng hàng không này được tái cấu trúc dòng tiền, giá vé và tần suất bay tăng.

Cũng khái quát lại bức tranh nửa đầu năm 2024, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AZfin Việt Nam đánh giá, nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán nhìn chung khởi sắc, nhờ kinh tế hồi phục và mặt bằng lãi suất thấp.

Nhận diện cơ hội nửa cuối năm

Động lực của VN-Index là kinh tế hồi phục, lãi suất duy trì ở vùng thấp và lợi nhuận các doanh nghiệp năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 15 - 22%.

Dự báo về thị trường những tháng cuối năm 2024, ông Phục cho rằng, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục có diễn biến tích cực, nhờ kinh tế có dấu hiệu hồi phục bền vững, lãi suất duy trì ở vùng thấp và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 15 - 22%. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ thu hút dòng tiền, nhưng khó có sự đột phá nếu thị trường chưa được nâng hạng. Tuy nhiên, khối ngoại có thể sẽ giảm bán ròng, hoặc quay lại mua ròng khi tỷ giá ổn định hơn và kinh tế hồi phục rõ nét hơn.

“Các nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có sự phân hóa mạnh mẽ, nhiều ngành tỏ ra đắt đỏ bên cạnh các ngành tương đối hấp dẫn. Chúng tôi đánh giá cao ngành ngân hàng và năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2024”, ông Phục nói và cho biết, động lực cho thị trường đến từ sự hồi phục của kinh tế trong nước và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Về rủi ro, ông Phục nhìn nhận, đó chính là diễn biến phức tạp của tỷ giá và các cuộc chiến thương mại cũng như xung đột trên thế giới.

Đại diện Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, thị trường có triển vọng tích cực, VN-Index có thể tiến lên ngưỡng 1.450 điểm.

Theo PHS, xuất khẩu và bất động sản là hai nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể đưa vào tầm quan sát. Nhóm xuất khẩu được trợ lực bởi xuất khẩu trong nước tăng trưởng gần 15% trong gần 6 tháng đầu năm 2024 và duy trì mạnh mẽ trong 4 quý liên tiếp; các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế đều phục hồi mạnh cả về sản xuất và xuất khẩu, trong đó có dệt may. Nhóm bất động sản sau một thời gian dài trầm lắng đã có các tín hiệu tích cực hơn, nhờ khung pháp lý mới và lãi suất vay mua nhà giảm. Tuy nhiên, các tín hiệu đó cần được xem xét kỹ lưỡng và liên tục trong 6 tháng cuối năm 2024, vì yếu tố quan trọng nhất của ngành (doanh số bán hàng) chưa được chứng minh bằng dữ liệu cụ thể.

“Việc phục hồi chung của tất cả các doanh nghiệp trong ngành bất động sản là tương đối khó, chỉ các doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi và có năng lực mới có thể tồn tại và phát triển qua giai đoạn này. Năm 2024 vẫn sẽ là giai đoạn ‘cao trào’ đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, với giá trị đáo hạn là 144.000 tỷ đồng. Điều này sẽ tạo áp lực lên dòng tiền của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh tâm lý người mua nhà cũng chỉ vừa mới phục hồi sau những vụ scandal”, PHS nhấn mạnh.

Về cổ phiếu bất động sản, ông Đỗ Hồng Anh, chuyên gia tư vấn và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nêu quan điểm, lĩnh vực bất động sản đang có tín hiệu phục hồi, nhưng phần lớn do các chính sách và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Triển vọng cổ phiếu địa ốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình lãi suất, tỷ giá, đặc biệt là lạm phát và sự phát triển của nền kinh tế, cùng với đó là câu hỏi: nội tại doanh nghiệp đã ổn hơn chưa sau thời gian thị trường bất động sản gần như bị đóng băng?

Ông Hồng Anh đánh giá, cổ phiếu bất động sản không quá tiềm năng trong năm 2024. Thị trường bất động sản nói chung, nhiều doanh nghiệp trong ngành nói riêng vẫn đối mặt với không ít thách thức. Thị trường bất động sản mới chỉ có dấu hiệu phá băng và đang phải đối mặt với hậu quả của giai đoạn đóng băng trước đó, cùng với đó là bối cảnh lạm phát tương đối cao như hiện nay làm cho người tiêu dùng có xu hướng ‘thắt lưng buộc bụng’ nhiều hơn so với việc đầu tư mạnh mẽ

“Xu hướng của cổ phiếu bất động sản trong năm nay khả năng cao sẽ khó có sự bứt phá một cách đồng đều, mà chỉ là câu chuyện riêng của một số doanh nghiệp”, ông Hồng Anh nói.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn