Kỳ vọng về sự trở lại của dòng vốn ngoại vẫn còn xa?

Tính từ đầu năm 2025 đến trước phiên 10/2, khối ngoại đã bán ròng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó "xả" ròng hơn 10.700 tỷ đồng trên HoSE. Cùng giai đoạn này năm ngoái, con số mới chỉ khoảng 300 tỷ đồng.

Bán ròng vượt 10.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng

Đà bán của khối ngoại dàn trải diện rộng, chủ yếu tập trung vào nhóm bluechip. Trong đó, cổ phiếu FPT (FPT) dẫn đầu quy mô bán ròng khi bị xả ròng gần 2.200 tỷ chỉ sau hơn 1 tháng giao dịch.

Kém chút, cổ phiếu VIC (Vingroup) ghi nhận bị bán ròng hơn 2.000 tỷ từ đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn giá trị bán ròng thực hiện qua kênh thoả thuận trong phiên 16/1, nhiều khả năng đến từ SK Investment khi tổ chức này đã đăng ký bán gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC theo phương thức thoả thuận.

Cổ phiếu VNM (Vinamilk) cũng lọt top bị bán ròng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2025 với giá trị xấp xỉ 970 tỷ.

Hay như MSN của Masan Group bị bán ròng gần 860 tỷ, với tâm điểm tại phiên 7/2 khi khối ngoại "xả" hơn 900 tỷ trên kênh thoả thuận. 

Bên cạnh đó, các mã như STB (Sacombank), SSI (Chứng khoán SSI), FRT (FPT Retail), MWG (Thế giới Di động) ghi nhận giá trị bán ròng trên 400 tỷ trong vòng hơn 1 tháng qua.

-1711-1739267440.jpg

Đầu năm 2025, thị trường tiếp tục chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại.

Trước đó, năm 2024, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng, giai đoạn đầu năm 2025 vẫn chưa có tín hiệu chậm lại và ghi nhận đã bước qua tháng thứ 13 liên tiếp "xả hàng" trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, kể từ đầu năm 2023 tới hiện tại, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 5 tỷ USD (~128.400 tỷ đồng). Áp lực xả hàng kéo dài chưa từng có trong lịch sử. Trong 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong tháng 1, 3/2023 và tháng 1/2024. Xu hướng này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài chưa được cải thiện.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhìn sâu xa vẫn là chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước và những bất ổn tiềm tàng cho những thị trường mới nổi, cận biên trước nguy cơ về chiến tranh thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá chất lượng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với TTCK Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.

Giới phân tích nhìn nhận, việc dòng vốn ngoại có quay lại hay không sẽ quyết định lớn đến xu hướng của VN-Index.

Thực tế, TTCK “mở bát” đầu năm Ất Tỵ tích cực, hứng khởi, mang lại kỳ vọng về một năm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi VN-Index tiến vào vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái, áp lực chốt lời gia tăng đáng kể cùng những rủi ro tiềm ẩn và đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại đã khiến VN-Index gặp khó trước ngưỡng cản 1.280-1.300 điểm - vùng kháng cự rất mạnh mà VN-Index chưa thể vượt qua trong năm 2024.

“Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, thị trường chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Cần "câu chuyện mới"

Nhìn chung, đảo chiều dòng vốn ngoại quay trở lại TTCK Việt Nam là việc không đơn giản và sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn. Kỳ vọng về sự trở lại của dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức.

Những yếu tố như diễn biến kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn và mức độ hấp dẫn của thị trường nội địa so với các khu vực khác đều có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, quá trình này sẽ khó có thể diễn ra trong ngắn hạn và cần thêm thời gian để các điều kiện thuận lợi hơn được định hình.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho rằng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong năm 2025. Theo đó, dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.

Mặt khác, câu chuyện nâng hạng TTCK hấp dẫn dòng vốn ngoại dường như vẫn chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Thị trường sau nhiều năm vẫn dậm chân tại vùng cũ, VN-Index "tàu lượn" quanh 1.200 -1.300 điểm, vốn hoá cũng chưa thể bứt phá hoàn toàn trong bối cảnh các quỹ ngoại ETF, quỹ chủ động lâu năm trên thị trường ghi nhận tình trạng rút ròng chưa từng có, giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Do đó, giới phân tích cho rằng thị trường đang cần "câu chuyện mới" để thu hút vốn ngoại quay lại.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa cập nhật triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam, trong đó kỳ vọng FTSE có thể ghi nhận Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 3/2025. Việc đánh giá đủ điều kiện nâng hạng thị trường theo FTSE sẽ là chất xúc tác cho tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, theo VDSC, TTCK Việt Nam đã giải quyết 2 tiêu chí còn lại mà FTSE yêu cầu để được nâng hạng. Do đó, FTSE có thể ghi nhận Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 3/2025. Mặc dù chưa được chính thức vào rổ FTSE Emerging Index, nhưng kỳ vọng từ nhà đầu tư nội, cũng như dòng vốn ngoại sẽ mang lại tâm lý giao dịch tích cực cho thị trường.

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Agriseco ước tính, với quy mô vốn hoá thị trường khoảng 5 triệu tỷ đồng, lượng tiền mở ra sau khi tháo gỡ “Pre-funding” lên tới khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng. Chuyên gia Agriseco cũng kỳ vọng dòng tiền của khối ngoại có thể tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025 khi các đợt hạ lãi suất của FED sẽ làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Cùng với đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam có thể giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường. Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến TTCK sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5 – 6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn