Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng kỷ lục

Lãi tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng kỷ lục

Lãi tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng kỷ lục

Lãi suất tăng cuối năm

Thống kê của Công ty chứng khoán Maybank cho thấy tính đến tháng 9/2024, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã tăng trung bình khoảng 0,6 điểm % từ mức đáy trong tháng 3/2024, chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngân hàng tư nhân.

Không ít ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm như: SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, và VietBank. Tuy nhiên, mức tăng cũng khá khiêm tốn, chỉ có một số nhà băng tăng lãi suất tiền gửi lên 7%/năm, nhưng đi kèm là điều kiện giá trị tiền gửi đến hàng trăm tỷ đồng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

DongA Bank giữ mức lãi suất cao lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên. HDBank trả lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, song điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombak, BIDV, VietinBank tiếp tục kiểm soát mức tăng lãi suất tiền suất tiền gửi nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đầu tháng 12/2024, 4 ngân hàng có nguồn vốn nhà nước (Big4) đang áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm cho hình thức trả lãi cuối kỳ từ 1,6%/năm đến 4,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tại quầy kỳ hạn 1 - 36 tháng.

Hiện mức lãi suất huy động cao nhất ở một số kỳ hạn tại các ngân hàng như kỳ hạn 1 tháng lên tới 3,95%/năm tại Bac A Bank; kỳ hạn 3 tháng là 4,3%/năm tại Eximbank; kỳ hạn 9 tháng 5,65% tại NCB và kỳ hạn 24 tháng chạm mốc 6,3%/năm tại ABBank.

Số liệu từ NHNN, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0.1-0.2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; 5,2-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Trong khi đó, từ cuối quý 2/2024, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Tiết kiệm tăng kỷ lục

NHNN vừa công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024. Theo đó, số liệu đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.

So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính chung, chỉ trong tháng 9 đầu năm, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.

Theo ghi nhận, tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ mốc 7 triệu tỷ đồng trong bối cảnh lãi suất nhích lên gần đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng dự báo đến hết tháng 10/2024, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng có thể vượt 15 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ lãi suất tăng do ngân hàng đang đẩy mạnh vốn, tín dụng tăng mạnh các tháng cuối năm. NHNN cho biết, tính đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023 và đích đến 15% không còn quá xa. Đồng thời, NHNN vừa nới thêm room tín dụng cho các nhà băng.

Vả lại, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán, vàng) còn biến động khó lường nên tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng để hưởng lãi suất.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn