Lãi thuần từ hoạt động tài chính của PVI giảm hơn 20% trong quý II
CTCP PVI (PVI Holdings - Mã: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý đạt 342,9 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế là 291,2 tỷ đồng, giảm 10,6%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 777,3 tỷ đồng, tăng 12,2%; lợi nhuận sau thuế là 662,2 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Với công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế ở mức 129,7 tỷ đồng, giảm 12,7%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 365,4 tỷ đồng, tăng 25,3%. Lợi nhuận sau thuế cho quý II và 6 tháng lần lượt là 126,3 tỷ đồng và 359,9 tỷ đồng.
Năm 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 765 tỷ đồng. Như vậy, qua nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 72% kế hoạch hợp nhất và 47,8% kế hoạch riêng lẻ.
Trong quý II, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PVI tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.878 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt 1.975 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ.
Doanh thu thuần từ bán hàng và dịch vụ (chủ yếu từ bảo hiểm, tái bảo hiểm và một số nguồn thu khác) của PVI tăng 14,7%, đạt 1.832 tỷ đồng.
Cùng với đó, các chi phí như giá vốn, chi bồi thường, chi phí dự phòng, chi hoạt động kinh doanh của PVI cũng tăng trong quý II đưalãi gộp từ bán hàng và dịch vụ của công ty đạt 267,3 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Cụ thể, chi bồi thường bảo hiểm gốc gấp gần hai lần cùng kỳ, đạt 1.450 tỷ đồng; chi bồi thường nhận tái bảo hiểm gấp hơn hai lần, ở mức 521 tỷ đồng.
Trong khi mảng kinh doanh bảo hiểm ghi nhận kết quả tích cực thì hoạt động tài chính của PVI lại kém sắc trong bối cảnh lãi suất tiền gửi chạm đáy nhiều năm. Trong tài liệu ĐHĐCĐ 2024, PVI từng dự báo lãi suất sẽ dao động từ 4,5 đến 5,3%/năm và đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn kết quả năm 2023 một phần từ yếu tố này.
Trong quý II/2024, lãi tiền gửi, tiền vay (chiếm hơn một nửa doanh thu hoạt động tài chính) giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, mang về gần 180 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi kinh doanh cổ phiếu cũng giảm tới 90,7%, còn 5,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi từ đầu tư trái phiếu, lãi chênh lệch tỷ giá lại nhỉnh hơn quý II năm ngoái.
Doanh thu tài chính giảm 8% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính lại tăng 47,7% lên 98 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ chênh lệch tỷ giá (48 tỷ đồng) và các khoản chi phí tài chính khác. Do đó, lãi thuần từ hoạt động tài chính của PVI đã giảm 20,8% so với cùng kỳ, đạt 230,3 tỷ đồng.
Hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh của PVI. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm 8,5%, phần lớn do chi phí nhân viên thấp hơn.
Tăng đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngắn hạn
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của PVI đạt 31.545 tỷ đồng, tăng 17,1% so với đầu năm. Trong đó, trị giá các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 10.657 tỷ đồng, tăng 35,3% còn đầu tư tài chính dài hạn là 3.632 tỷ đồng, giảm 13,6%.
Sau 6 tháng đầu năm, PVI đã chuyển dịch một phần danh mục đầu tư dài hạn sang ngắn hạn, chủ yếu là chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu, trái phiếu) và tiền gửi có kỳ hạn ngắn (từ 3 đến 12 tháng). Trong đó, giá gốc chứng khoán kinh doanh gấp gần hai lần so với đầu năm, đạt 1.527 tỷ đồng; tiền gửi ngắn hạn tăng 34,8% lên 7.689 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVI cũng đầu tư thêm 300 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi. Tuy nhiên, số dư trái phiếu ngắn hạn của PVI đã giảm 17,3% so với cùng kỳ, đạt 1.178 tỷ đồng.
Về đầu tư dài hạn, số dư tiền gửi của PVI đã giảm 27,7% xuống 2.006 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đầu tư thêm 150 tỷ vào chứng chỉ tiền gửi, nâng số dư lên 230 tỷ đồng vào cuối quý II.
Cuối quý tháng 6/2024, nợ phải trả của PVI ở mức 22.697 tỷ đồng, tăng 21,4% so với đầu năm. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn là 934 tỷ đồng từ hai ngân hàng là Vietcombank và Shinhan Bank. Cuối năm 2023, PVI không có khoản vay ngắn hạn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn