Làm chủ sân nhà: Ông Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long 'bá chủ' 2 ngành công nghiệp nặng tại miền bắc, các doanh nhân miền nam ‘chiếm lĩnh’ thị trường bán lẻ
Việt Nam trong thập kỷ qua được chuyên gia và truyền thông quốc tế liên tục ca ngợi là ngôi sao sáng trong nền kinh tế ASEAN và ngôi sao đang lên của châu Á.
Đóng góp lớn vào GDP quốc gia, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, không thể không kể đến công sức của các doanh nghiệp tư nhân nội địa.
Với sức mạnh nội lực được củng cố qua nhiều năm đổi mới và hội nhập, các doanh nhân Việt Nam đã dẫn dắt doanh nghiệp của mình làm chủ sân chơi trong nước, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế.
'BẢN ĐỒ' DOANH NHÂN LÀM CHỦ SÂN NHÀ
Theo thống kê sơ bộ, khu vực miền Nam, đặc biệt là Tp.Hồ Chí Minh đang là "cái nôi" cho các doanh nhân đã thành công làm chủ sân nhà trong lĩnh vực kinh doanh của mình khi quy tụ tới 5 doanh nghiệp đầu ngành trong nước, bao gồm FPT Retail, Masan Group, SSI, Vinamilk, Phúc Sinh.
Ngoài ra, các công ty như CTCP Đầu tư Thế giới di động có trụ sở tại Bình Dương và TTC Biên Hòa (SBT) có trụ sở tại Tây Ninh nhưng cơ quan đầu não cũng nằm tại Tp.HCM.
Dù ít hơn, khu vực miền bắc lại là nơi có 2 doanh nhân hiếm hoi làm chủ sân nhà trong lĩnh vực công nghiệp nặng và cũng là 2 tỷ phú đô la, đó là ông Trần Đình Long - mảng thép, và ông Phạm Nhật Vượng - mảng xe điện.
Không chỉ vậy, 2 doanh nhân này đã đưa doanh nghiệp của mình vươn tầm quốc tế.
Cụ thể, với công suất hiện tại 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Tập đoàn Hòa Phát (HPG, trụ sở chính tại Hưng Yên) hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, doanh thu của Hòa Phát là 118.953 tỷ đồng.
VinFast (trụ sở chính tại Hải Phòng), thương hiệu ô tô của Việt Nam được thành lập vào năm 2017 bởi Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện là nhà sản xuất xe điện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Tính chung trong lĩnh vực xe hơi, số liệu gần nhất là tháng 9/2024, VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng, cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9.
Đây là lần đầu tiên, thương hiệu ô tô điện nội địa vượt qua tất cả các thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường
Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy CKD 50.000 chiếc/năm tại Tamil Nadu, Ấn Độ, một nhà máy CKD tại Indonesia với công suất 50.000 chiếc/năm, với kế hoạch xây dựng nhà máy có công suất 150.000 chiếc/năm (giai đoạn 1) tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, có trụ sở chính tại Hà Nội, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) là một trong số những thương hiệu "huyền thoại" vẫn sống khỏe từ thời bao cấp tới nay và nắm giữ thị phần số 1 Việt Nam về chiếu sáng và phích nước.
Công ty sở hữu hệ thống phân phối 24.000 điểm bán hàng trên 63 tỉnh, thành và xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
'VÔ ĐỊCH' MẢNG BÁN LẺ, TIÊU DÙNG
Nhiều "ông lớn" nước ngoài đã tham gia vào mảng bán lẻ "màu mỡ" tại Việt Nam nhưng chịu thua lỗ và đành rút khỏi thị trường như Parkson (Malaysia), Auchan Retail (Pháp), hay Emart (Hàn Quốc)...
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ sức mạnh trên thị trường này với Thế giới di động (MWG), FPT Retail (FRT), Masan Group (MSN).
CTCP Đầu tư Thế giới di động do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT tính đến cuối tháng 8 đang có 1.023 cửa hàng Thế giới di động (bao gồm Topzone), 2.031 cửa hàng Điện Máy Xanh (bao gồm Điện máy Xanh Supermini), 1.721 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 326 nhà thuốc An Khang.
Doanh thu năm 2023 đạt 118.280 tỷ đồng.
FPT Retail sở hữu FPT Shop là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ… Đặc biệt, chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc FPT Retail hiện đang dẫn đầu về số lượng nhà thuốc với 1.706 nhà thuốc tại cuối tháng 6/2024.
"Đế chế" tiêu dùng - bán lẻ Masan Group dưới sự điều hành của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu 2 "gà vàng" là Masan Consumer và WinCommerce.
Trong đó, Masan Consumer đã trở thành công ty thực phẩm, hàng tiêu dùng có giá trị lớn nhất sàn chứng khoán Việt, gây dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu USD – 200 triệu USD là Kokomi, Omachi, Chin-su, Nam Ngư và Wakeup 247.
Còn WinCommerce sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam Winmart/Winmart+. Tính đến tháng 6/2024, WinCommerce đang vận hành 3.673 điểm bán.
Điều quan trọng là cả Bách Hóa Xanh, Long Châu và WinCommerce đều đã tìm ra công thức có lợi nhuận và chính thức đạt được lợi nhuận sau giai đoạn "gồng lỗ".
Trong các lĩnh vực như đường, sữa, doanh nhân Việt Nam cũng thể hiện "sức mạnh" khi Vinamilk (VNM) là doanh nghiệp sữa chiếm thị phần số 1 Việt Nam, Đường Quảng Ngãi (QNS) được mệnh danh là "vua sữa đậu nành", TTC Biên Hòa chiếm thị phần số 1 ngành đường được dẫn dắt bởi 2 nữ tướng Huỳnh Thị Bích Ngọc và Đặng Huỳnh Ức My.
'VUA TIÊU' TRỞ LẠI
Ngành hạt tiêu là ngành mà lượng cung từ Việt Nam có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả trên thị trường thế giới.
Khởi sự kinh doanh từ những năm 2001, doanh nhân Phan Minh Thông và Phúc Sinh được gọi là 'Vua hồ tiêu' của Việt Nam khi nắm giữ vị trí là nhà xuất khẩu tiêu số 1 Việt Nam. Tuy nhiên, có 1 thời gian Phúc Sinh đã tụt hạng, thậm chí rời khỏi top 5 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đứng sau các ông lớn nước ngoài như Olam hay Nedspice....
Trong tháng 7-8-9/2024, Phúc Sinh đã vươn trở lại số 1 với thị phần xuất khẩu hồ tiêu tháng 9 là 16,77%. Đồng thời, Phúc Sinh cũng nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân niên vụ 2022-2023 của Việt Nam.
Xem thêm tại cafef.vn