Lâm Đồng: Bồi thường thiệt hại cho 330 hộ chăn nuôi bò sữa do tiêm vaccine

Một hộ nuôi bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Một hộ nuôi bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) đã bồi thường 50% tổng kinh phí cho 330/350 hộ chăn nuôi bò sữa bị bệnh do tiêm vaccine Navet-Lpvac của công ty này cung ứng, dự kiến bồi thường hết kinh phí trước ngày 28/11/2024.

Đây là nội dung được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin tại buổi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những vấn đề dư luận đang quan tâm trên địa bàn tỉnh do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức chiều nay (12/11).

Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi hoàn thành phương án bồi thường, từ ngày 14-24/10/2024, Công ty Navetco cùng với Ủy ban Nhân dân các xã đã tổ chức 21 cuộc họp tại 21 xã, phường có bò bị bệnh, bò chết để tiến hành thương thảo cụ thể với từng hộ dân.

Kết quả có 330 hộ trong tổng số 350 hộ chăn nuôi bị thiệt hại đồng ý thỏa thuận với phương án đã thỏa thuận, chiếm tỷ lệ 94,29%. Tổng kinh phí theo phương án bồi thường, hỗ trợ cho 330 hộ chăn nuôi này là 35.569.695.000 đồng cho 7.186 bò bị bệnh và 511 bò chết các loại.

Từ ngày 16-28/10/2024, Công ty Navetco đã chi trả và người chăn nuôi đã nhận được kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đợt 1 với 50% giá trị bồi thường, hỗ trợ cho 330 hộ dân đã thống nhất và ký biên bản thỏa thuận với số tiền là 17.785.347.500 đồng.

Theo biên bản thỏa thuận của công ty đối với các hộ đã ký kết, trong vòng 30 ngày sau khi chi trả đợt 1, Công ty Navetco tiếp tục thực hiện chi trả đợt 2 cho 50% kinh phí còn lại, dự kiến hoàn thành trước ngày 28/11/2024.

Ngoài các hộ trên, còn 20 hộ chăn nuôi không đồng ý thỏa thuận với phương án bồi thường; trong đó, huyện Đơn Dương có 9 hộ tại xã Tu Tra và huyện Đức Trọng có 11 hộ tại xã Hiệp Thạnh. Theo đó, người dân chưa đồng ý về đơn giá bồi thường bò chết chưa được xác nhận, giá bồi thường thiệt hại mất sản lượng sữa và thiệt hại với bò sảy thai.

ttxvn_bo sua chet do tiem vaccine Lam dong.jpg
Ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn Lạc Trường, xã Tu Tra vuốt mắt cho con bò nhiều sữa nhất của gia đình vừa chết. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Đối với các hộ này, Công ty Navetco đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiến hành thương thảo, thỏa thuận với từng hộ chăn nuôi trên cơ sở kết quả đánh giá về thiệt hại cụ thể của từng cơ sở chăn nuôi. Mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người dân với mức bồi thường hỗ trợ phù hợp, thỏa đáng, theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện chi trả ngay sau khi người chăn nuôi đồng thuận, ký biên bản thỏa thuận.

Sau các cuộc làm việc của Ủy ban Nhân dân các xã và huyện với các hộ chăn nuôi chưa thống nhất với phương án, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đề nghị Công ty Navetco tiếp tục thương thảo, thỏa thuận với từng hộ chăn nuôi chưa đồng thuận theo phương án công ty đưa ra. Quan điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đứng ra bảo vệ quyền lợi của các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, không để người dân phải chịu thiệt thòi trong phương án bồi thường.

Về kế hoạch hỗ trợ người dân tái đàn, tái sản xuất theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2025-2030 và gửi các sở, ngành, địa phương góp ý.

Kế hoạch gồm các nội dung chủ yếu như hỗ trợ tăng đàn tự nhiên để nâng cao chất lượng giống bò sữa bằng biện pháp phối giống nhân tạo; hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi bò sữa; hỗ trợ tổ chức sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm sữa tươi; hỗ trợ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chăn nuôi bò sữa và hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, việc bò sữa chết và mắc bệnh sau khi tiêm vaccine Navet-LPvac đã phần nào ảnh hưởng nguồn sữa cung cấp cho các công ty. Lâm Đồng hiện có 5 doanh nghiệp thu mua sữa tươi nguyên liệu, với 20 trạm thu mua sữa, sản lượng sữa thu mua khoảng 270-280 tấn/ngày.

Qua khảo sát của các công ty thu mua sữa tươi từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn như Vinamilk, Dalatmilk, VPmilk …, tại thời điểm tháng Tám và Chín năm nay, sản lượng sữa giảm khoảng từ 10-15% . Đến thời điểm hiện tại, sản lượng sữa chỉ còn giảm ở mức 5-7% so với thời điểm tháng tháng Tám và Chín vừa qua.

Để khôi phục sản lượng sữa, các cơ quan chuyên môn tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn người dân cần tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác hợp lý đối với số bò đang khai thác sữa để sớm khôi phục sản lượng sữa của tổng đàn trên địa bàn tỉnh./.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở thôn Bông Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng có 2 con bò bị chết sau khi tiêm vaccine. (Ảnh: Chu Quốc Hùng- TTXVN)Bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở thôn Bông Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng có 2 con bò bị chết sau khi tiêm vaccine. (Ảnh: Chu Quốc Hùng- TTXVN)

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Navetco hoàn thành phương án bồi thường thiệt hại cho người nuôi bò sữa bị chết do tiêm vaccine trước ngày 10/9, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện.

Xem thêm tại vietnamplus.vn