Làm rõ phương án đầu tư cảng trung chuyển cửa ngõ Sài Gòn
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn. |
Sớm bổ sung vào quy hoạch
Thận trọng là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 585/BKHĐT-ĐTNN về Dự án SIGP vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND TP.HCM sau hơn 12 tháng xin ý kiến đánh giá của 9 bộ, ngành.
Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của Liên doanh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Terminal Investment Limited Holding S.A (SGP - TiLH); ý kiến của các bộ, ngành, UBND TP.HCM và các quy định pháp luật liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, đây là dự án có quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài và có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với TP.HCM, các khu vực lân cận và cả nước.
“Do đó, việc xem xét, đánh giá các nội dung của Dự án SIGP trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện một cách toàn diện, cẩn trọng và kỹ lưỡng”, Công văn số 585/BKHĐT-ĐTNN nêu rõ.
Để có cơ sở lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung tại khoản 3, Điều 33, Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM làm rõ tới 11 nội dung, như quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tác động môi trường đến hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; hình thức; lựa chọn nhà đầu tư; quy mô dự án; tác động của Dự án khi di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận và các bến cảng hiện hữu ở các tỉnh, thành phố lân cận; trình tự, thủ tục hồ sơ…
Nội dung quan trọng đầu tiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM làm rõ liên quan đến sự phù hợp với quy hoạch quốc gia về hệ thống cảng biển.
Cần phải nói thêm, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng Cần Giờ thuộc cảng biển TP.HCM được quy hoạch định hướng là khu bến tiềm năng phát triển, chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế.
Hiện nay, Chính phủ giao UBND TP.HCM xây dựng Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 4075/UBND-DA ngày 23/8/2023 về Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng có Tờ trình số 14567/TTr-BGTVT ngày 19/12/2023, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tuy nhiên, tại thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ (ngày 5/4/2023), việc điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở để xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án.
“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (có bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ), thì Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo điểm d, khoản 1, Điều 31, Luật Đầu tư”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Trước đó, trong Công văn số 8273/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 8/2023, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT cho biết, ngày 23/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM xây dựng Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, kết quả Đề án do UBND TP.HCM lập là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT cập nhật, hoàn thiện lập điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Tiếp theo, Bộ GTVT sẽ phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở triển khai đầu tư các dự án”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Cấn cá hình thức lựa chọn nhà đầu tư
Một nội dung quan trọng khác trong hồ sơ đề xuất Dự án SIGP cần được UBND TP.HCM làm rõ là thông tin về quy mô dự án.
Tại Công văn số số 585/BKHĐT-ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhà đầu tư đề xuất quy mô sử dụng đất của Dự án là 571 ha (trong đó diện tích đất cù lao là 89,95 ha và diện tích mặt nước là 481,05 ha) tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Tuy nhiên, theo thông tin tại Công văn số 4335/UBND-DA ngày 7/9/2023 của UBND TP.HCM về việc triển khai Đề án, khu vực dự kiến đầu tư có tổng diện tích 576 ha (trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 93,37 ha, đất bằng chưa sử dụng 114,07 ha, đất sông là 362,56 ha), được xác định thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM làm rõ một số vấn đề, như vị trí, quy mô sử dụng đất và mục tiêu của Dự án do nhà đầu tư đề xuất và nghiên cứu tại Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có khác nhau không, căn cứ pháp lý hay văn bản của cơ quan có thẩm quyền để xác định quy mô diện tích này, đề xuất của nhà đầu tư có đảm bảo việc xây dựng và hình thành cảng trung chuyển quốc tế như nhiệm vụ Chính phủ đã giao?
Liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Dự án thuộc Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đối với Dự án được quy định tại khoản 7, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án có quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ hiện tại... Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án có hiệu quả, đảm bảo đáp ứng các yếu tố về quốc phòng, an ninh cần được thực hiện một cách cẩn trọng.
Tuy nhiên, theo điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.
Điều đáng nói là, theo hồ sơ đề xuất Dự án SIPG, Liên doanh SGP - TiLH lại đề xuất thực hiện trong 22 năm, với thời gian đầu tư lên tới 20 năm, gấp 4 lần thời gian quy định tại Nghị quyết số 98.
“Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án, đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến về tính khả thi của việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện Dự án thông qua hình thức đấu thầu theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Bên cạnh đó, do nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư, trong khi trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Điều 35, Luật Đầu tư và Điều 32, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ thực hiện lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án và hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất Dự án có thể không phải là nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Dự án do việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện còn nhiều nội dung trong đề xuất của nhà đầu tư chưa đầy đủ với quy định pháp luật về môi trường, công nghệ, tổng vốn đầu tư..., nên phải hoàn thiện thêm. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sao gửi kèm theo công văn này toàn bộ ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến về việc bổ sung các thông tin cần thiết cho đầy đủ và toàn diện để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận.
Trước đó, vào tháng 4/2023, đại diện TiLH (đơn vị thành viên của Hãng tàu MSC Mediterranean Shipping Company SA) và SGP đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc hợp tác giữa SGP và TiLH trong việc đầu tư và khai thác Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (SIGP) tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Theo đề xuất của TiLH - SGP, dự án này có tổng chiều dài mặt sông là 7,2 km, bao gồm bến chính dài 6,8 km, có khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), tàu trung chuyển, cùng 1,9 km bến sà lan tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT và sà lan từ 5.000 tấn trở lên (công suất 250 - 356 TEU); hệ thống sân và đường nội bộ có diện tích khoảng 371 ha; các khu vực phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật...
Tổng mức đầu tư Dự án (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) khoảng 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4.804,56 triệu USD, trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 18.387,4 tỷ đồng, tương đương 778,14 triệu USD.
Liên doanh nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư Dự án theo 7 giai đoạn. Khi hoàn thành việc xây dựng tất cả các giai đoạn, tổng khối lượng hàng hóa dự kiến đi qua Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn khoảng 16,9 triệu TEU/năm.
Cần phải nói thêm, MSC là hãng tàu container lớn nhất thế giới, năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới, với các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Khi đề xuất hình thành cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, MSC/TiLH và SGP đặt mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do Hãng tàu MSC mang từ các nước khác về.
“Nếu thực hiện đúng nội dung trên, công suất cảng hoàn toàn dựa trên chiến lược phát triển của hãng tàu với kế hoạch khối lượng container do đội tàu của MSC chuyên chở”, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.
Năm 2022 và 2023: Thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư; đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án; quy hoạch và thiết kế công trình, lựa chọn nhà thầu xây dựng;
Năm 2024: Khởi công xây dựng;
Quý I/2027: Hoàn thành xây dựng giai đoạn I và đường kết nối, đưa vào khai thác;
Quý I/2030: Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn II;
Quý I/2033: Đưa vào khai thác giai đoạn III;
Quý I/2036: Đưa vào khai thác giai đoạn IV;
Quý I/2039: Đưa vào khai thác giai đoạn V;
Quý I/2042: Đưa vào khai thác giai đoạn VI;
Quý I/2045: Đưa vào khai thác giai đoạn VII, hoàn thành đầu tư xây dựng.
Xem thêm tại baodautu.vn