Làm xong sinh trắc học vẫn khó chuyển khoản số tiền lớn
Ngày 3/7 là ngày thứ 3 Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trong 3 ngày đầu áp dụng quy định mới, nhiều khách hàng đã phản ánh về tình trạng khó kết nối tới hệ thống để cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
"Vã mồ hôi" mới cập nhật được sinh trắc học
Nhiều khách hàng dù có đầy đủ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, điện thoại di động có hỗ trợ NFC (kết nối không dây) nhưng vẫn phải ra quầy ngân hàng để làm xác thực dữ liệu sinh trắc học.
Chị Mai Hương, một khách hàng của Vietcombank cho biết ngày 1/7 sau khi chụp, quét CCCD theo hướng dẫn, tới thao tác quét khuôn mặt 3 vòng gần và xa thì ứng dụng ngân hàng của chị gặp lỗi. Sau nhiều lần thử lại không thành, chị quyết định rời ngày thực hiện cập nhật dữ liệu.
Đến sáng nay (2/7), chị Hương đã ra ngân hàng để hoàn tất các thủ tục liên quan nhưng lại gặp lỗi khi liên kết với ứng dụng VNeID. “Sao các ngân hàng khác không bắt buộc liên kết thẻ ngân hàng với VNeID mà Vietcombank lại yêu cầu. Thực sự rắc rối quá”, khách hàng này phàn nàn.
Nhiều người dân phải đến ngân hàng để được hỗ trợ thực hiện xác thực dữ liệu sinh trắc học. |
Chị Hải Châu một khách hàng của Vietinbank cho biết ngày 1/7 sau khi thực hiện xong thao tác quét khuôn, tới quét CCCD theo hướng dẫn, app ngân hàng không thể nhận được dữ liệu, chị quyết định rời ngày thực hiện cập nhật dữ liệu.
“Tôi đã thực hiện hàng chục lần trên app của ngân hàng này từ ngày 2/7 đến sáng ngày 3/7 nhưng chưa lần nào thành công. Tôi xem hướng dẫn phải lấy CCCD ra khỏi vỏ nhựa, tháo miếng ốp lưng điện thoại… thế nhưng vẫn không được chấp nhận. Nghĩ rằng do ban ngày nhiều người vào app gây nghẽn mạng, tôi chờ đến nửa đêm để đăng ký nhưng tới lúc đưa mặt vào điện thoại để nhận diện thì hệ thống lại báo lỗi. Hôm nay đến ngân hàng và rất đông khách hàng đang chờ, nên phải cuối giờ chiều tôi mới thực hiện xong xác thực sinh trắc học”, chị Châu cho biết.
Nhiều khách hàng cũng cho biết, do có tài khoản ở nhiều ngân hàng nên khá mất thời gian để xác thực sinh trắc học. “Điều đáng nói là cũng một gương mặt của tôi, dù mái tóc có thay đổi kiểu dáng và màu tóc so với ảnh trên CCCD gắn chip nhưng có app ngân hàng vẫn chấp nhận, có app thì không nên rất rắc rối”, một khách hàng cho hay.
Trong khi đó, một khách hàng phản ánh đã xác thực sinh trắc học thành công, nhưng khi chuyển khoản trên 20 triệu đồng/giao dịch lại nhận thông báo chưa thể thực hiện giao dịch và phải chờ 1 ngày làm việc.
Khi liên hệ tới tổng đài, nhân viên ngân hàng giải thích rằng do nhiều khách hàng hiện cố gắng thử nghiệm giao dịch trên 20 triệu đồng để kiểm tra tài khoản đã xác thực sinh trắc học thành công hay chưa, khiến hệ thống ghi nhận số lượng giao dịch tăng đột biến. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm được khắc phục và các giao dịch chuyển tiền của khách hàng sẽ được ghi nhận đầy đủ.
Bên cạnh đó, một số người dùng “vã mồ hôi” vì đã cung cấp thông tin sinh trắc học thành công nhưng vẫn chưa thể xác thực được khuôn mặt để chuyển khoản. “Sau khi nhận được thông báo của ngân hàng về cập nhật sinh trắc học thành công, ngày 2/7 tôi có việc cần chuyển khoản trên 10 triệu đồng nhưng ứng dụng ngân hàng liên tục từ chối thực hiện giao dịch với lý do không nhận diện được khuôn mặt chính chủ.
"Tôi đã thử lại 5 lần nhưng đều chỉ nhận được thông báo "Không nhận ra khuôn mặt. Bạn hãy xác thực lại nhé. Vui lòng đảm bảo tư thế phù hợp, điều kiện ánh sáng đầy đủ, camera rõ ràng khi xác thực”, chị Hương (Hà Nội) cho hay. Do phải thanh toán gấp nên chị Hương đã chia nhỏ số tiền ra để chuyển khoản mà không phải xác thực.
Tuy nhiên, vấn đề chị Hương băn khoăn, nếu vấn đề quét khuôn mặt không được giải quyết, chắc chắn sẽ rất phiền phức cho khách hàng. Bởi có những khoản giao dịch lớn hơn 20 triệu đồng khách hàng không thể giao dịch tại nhà được. "Hy vọng phía ngân hàng có phương án xử lý hoặc cập nhật lại hệ thống để việc nhận diện khuôn mặt diễn ra tốt hơn", chị Hương nói.
Hàng triệu khách hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học
"Xác thực sinh trắc học" là từ khóa được khách hàng và nhân viên ngân hàng thương mại đề cập nhiều nhất trong vài ngày qua. Một số nhân viên ngân hàng còn ví von "lâu lắm rồi mới thấy khách hàng ra quầy giao dịch… nhiều như vậy".
Trao đổi với VnBusiness, Lê Minh Sơn, nhân viên Vietcombank chi nhánh Bà Triệu cho hay, trong ngày thứ 3 từ khi quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học có hiệu lực, hệ thống đã chạy mượt hơn, ổn định hơn. Số lượng khách hàng tới trực tiếp quầy giao dịch nhờ hỗ trợ cũng giảm bớt so với ngày đầu tiên (1/7).
Vietcombank cho biết đã, đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Hiện Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cung cấp giải pháp giúp khách hàng có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app - to - app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng CCCD gắn chip và điện thoại có kết nối NFC đang triển khai). Điều này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học.
Techcombank cho hay tính đến hết ngày 1/7 đã có hơn 1,4 triệu khách hàng của ngân hàng đăng ký thực hiện thành công việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên Techcombank Mobile, chiếm tổng số hơn 80% khách hàng thường xuyên thực hiện giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng.
Cũng có những ngân hàng đã hoàn thành thực hiện sinh trắc học cho tất cả khách hàng. Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết đa phần khách hàng của Sacombank đã đăng ký sinh trắc học và xác thực bằng sinh trắc học thành công đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc vượt 20 triệu đồng/ngày.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục thông báo đến các khách hàng về việc nên cập nhật sinh trắc học để các giao dịch chuyển tiền trực tuyến được diễn ra thông suốt, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, công việc...", ông Tâm cho biết.
Đại diện TPBank cho biết, hầu hết khách hàng của nhà băng này đã hoàn tất quá trình đăng ký xác thực sinh trắc học.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn