Lãnh đạo Petrolimex: Xe điện mới chiếm 1%, chưa thể cạnh tranh với phương tiện chạy xăng dầu

Sáng 26/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Báo cáo tại Đại hội, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết năm 2023 kinh tế toàn cầu đối mặt với hàng loạt khó khăn như lạm phát cao, lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế chậm, bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang.

Xu hướng đầu tư thương mại đã có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới, cùng với đó, tăng trưởng bền vững, chuyển dịch năng lượng xanh, sạch là xu hướng ngày càng rõ nét và không thể đảo ngược. Kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động từ tình hình chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ đạt 5,05%, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch 6,5%.

Giá xăng dầu thế giới năm 2023 tăng nhanh, giảm nhanh với diễn biến khó đoán định, đặc biệt trong những tháng cuối năm giá xăng dầu thế giới liên tục biến động theo xu hướng giảm.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp xin giải thể, đóng cửa. Các cơ quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép và xử lý các vi phạm, giúp cho thị trường xăng dầu lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, cùng với đó sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là kênh bán hàng qua trung gian, trong khi tình trạng vi phạm thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tạo ra thách thức, cơ hội đan xen cho Petrolimex. 

Kết quả năm 2023, Petrolimex đạt doanh thu 273.979 tỷ đồng tăng 144% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3.947 tỷ đồng, tăng 122% so với kế hoạch 2023. Trong đó, công ty mẹ đạt lợi nhuận trước thuế 2.624 tỷ đồng, tăng 146% so với kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, ông Đào Nam Hải cho biết, kinh tế thế giới năm 2024 đang dần hồi phục sau đại dịch COVID-19 nhưng dự báo còn nhiều bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị kìm hãm bởi ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang Nga - Ukraine chưa có hồi kết, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân.

Đối với Petrolimex, năm 2024 với dự báo tình hình có nhiều yếu tố không thuận lợi, do đó, HĐQT Petrolimex đặt  mục tiêu doanh thu 188.000 tỷ đồng, giảm 32% so với kết quả đạt được năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2023. Trong đó, công ty mẹ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng, giảm 31% so với kết quả năm 2023.

 Nguồn: HL tổng hợp.

Cũng tại ĐHĐCĐ, Petrolimex đã được thông qua phương án phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chưa phân phối. Trong đó, thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, trích Quỹ đầu tư phát triển 217 tỷ đồng, trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi 53 tỷ đồng.

Đại hội cũng đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm sát nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, miễn nhiệm thành viên HĐQT Petrolimex kể từ ngày 1/6 đối với ông Lê Văn Hướng để nghỉ hưu theo quy định và miễn nhiệm thành viên HĐQT tập đoàn kể từ ngày 26/4 đối với ông Võ Văn Quyền, ông Ken Kimura vì lý do các nhân, ông Nguyễn Vinh Thanh để nghỉ hưu.

Đồng thời, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn kể từ ngày 26/4 đối với ông Norimasa Kuroda theo đề nghị của Công ty TNHH ENEOS Việt Nam. 

Đại hội cũng bầu ba thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm: Ông Trần Tuấn Linh, Đại diện cổ đông Nhà nước, ông Endo Tsuyoshi, Đại diện cổ đông Eneos và ông Đinh Thái Hương, Thành viên HĐQT độc lập. Hai thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới được bầu là ông Okuma Atsushi, Đại diện cổ đông Eneos và ông Mai Việt Dũng, Đại diện nhóm cổ đông. 

ĐHĐCĐ thường niên 2024 Petrolimex. (Ảnh: H.A).

PHIÊN THẢO LUẬN

Việc yêu cầu phát hành hoá đơn điện tử có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Petrolimex?

Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex: Thực hiện Nghị định 123 về việc triển khai hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu, Petrolimex triển khai đồng loạt trên 2.700 cửa hàng từ ngày 1/7/2023. 

Liên quan đến chi phí triển khai việc phát hành hoá đơn điện tử, về tần suất phát hành hoá đơn tăng khoảng 40 lần. Một năm Petrolimex có khoảng hơn 1 tỷ giao dịch ở cửa hàng sẽ phải phát hành hoá đơn.

Khi triển khai Thông tư số 15 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Petrolimex đã chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để triển khai việc này từ năm 2015 đến giờ nên việc áp dụng hoá đơn điện tử chỉ tốn khoảng hơn 1 tỷ đồng để triển khai trên toàn bộ hơn 2.700 cửa hàng của Petrolimex.

Tăng trưởng nhu cầu sử dụng xăng dầu và triển vọng kinh doanh của Petrolimex có gặp rủi ro gì trước chiến lược phát triển xe điện hay không?

Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex: Trong những năm gần đây số lượng xe điện được bán ra tăng rất nhanh, tuy nhiên thị phần ô tô điện mới chỉ chiếm khoảng 1%. Tỷ lệ xe điện này chỉ thay thế một phần cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chứ chưa thể thay thế cho xe vận chuyển hàng hoá, xe tải, container, xe hạng nặng, xe bồn cũng như giao thông đường thuỷ, hàng không và đường sắt.

Chúng tôi nhận định xu hướng sử dụng xe điện đang tăng lên từng ngày nhưng ở thời điểm hiện tại cũng chưa tạo được rủi ro lớn về cạnh tranh thị phần đối với xăng dầu. Xăng dầu vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong vòng 5 - 7 năm tới xe điện mới có sự cạnh tranh đáng kể còn hiện nay vẫn chưa ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng xăng dầu.

Việc đầu tư hệ thống trạm sạc hiện nay chủ yếu của Vinfast và họ xây dựng cũng chỉ để sạc cho xe điện của Vinfast. Trong một vài năm qua, Petrolimex và Vinfast cũng hợp tác, trong đó Petrolimex tham gia với vai trò là đối tác cung ứng hạ tầng trạm sạc.

Vì vậy, chúng tôi đánh giá trước mắt việc phát triển xe điện chưa có tác động gì đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hay cấu trúc của thị trường xăng dầu Việt Nam. Song đây cũng là xu thế đang phát triển, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Để chuẩn bị cho các giai đoạn chuyển tiếp sắp tới, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp các loại hình năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu bay bền vững.

Đồng thời, nghiên cứu các cơ hội đầu tư, phát triển thị trường trạm sạc xe điện ở Việt Nam cũng như các dịch vụ gia tăng ở các cửa hàng của Petrolimex.

Năm 2023, Tổng Giám đốc Petrolimex cũng thành lập một số đoàn công tác sang châu Âu để nghiên cứu và đầu năm nay, chúng tôi cũng sang Anh để thảo luận về cách thức hợp tác với các đối tác.

Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định số 83 và sắp ban hành, trong đó việc Petrolimex được tự định giá bán lẻ xăng dầu sẽ mang lại lợi thế gì cho tập đoàn?

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex: Dự thảo ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới nhằm thay thế cho các Nghị định 83. Đến thời điểm này, Bộ Công thương với trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành mới trình với Chính phủ dự thảo lần 2, trong đó, có các nội dung sửa đổi.

Nghị định này mới đang trong quá trình xây dựng nên việc quy định chính thức, thực hiện trong thời gian tới như thế nào vẫn chưa rõ ràng.

Chỉ khi nào Nghị định được ban hành thì lúc đó Petrolimex với vai trò là một thương nhân đầu mối cũng như các thương nhân khác mới đánh giá mức độ tác động của việc sửa đổi, ban hành Nghị định mới đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex như thế nào.

Tuy nhiên, với nội dung mang tính chất cơ bản trong dự thảo của Nghị định này đã bao hàm khá nhiều nội dung mới để làm sao phân định rõ ràng với các thương nhân trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, trong lần này cũng đề cập đến quyền quyết định giá bán xăng dầu. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối. Chính vì vậy, đây cũng là nội dung đang được bàn thảo.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đưa ra hai kịch bản. Một là, ban hành giá tối đa để các thương nhân căn cứ vào đó và quyết định giá bán. Hai là, vẫn có quan điểm cho rằng đây là mặt hàng tiêu dùng gắn liền với đời sống dân sinh nên Nhà nước cần tiếp tục quản lý về giá.

Đối với hai phương án này, Petrolimex là một thương nhân kinh doanh xăng dầu nên chúng tôi cho rằng bất cứ phương án nào khi được ban hành, Petrolimex đều sẵn sàng tổ chức và thực hiện nghiêm theo các quy định, cũng như các thông tư hướng dẫn.

Các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối khác thực hiện được thì Petrolimex với vai trò là một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối lớn cũng sẽ hoàn toàn tổ chức thực hiện được. 

Petrolimex có chiến lược gì về việc nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm năng lượng sạch?

Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex: Petrolimex với tư cách là doanh nghiệp chủ đạo về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn luôn là doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong việc triển khai các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực bảo vệ môi trường, hướng tới Net Zero 2050.

Từ năm 2016 - 2020, Petrolimex đã tiên phong trong việc triển khai những nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 5, tức là giảm phát thải carbon như xăng 955, dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5. Trước đó, Petrolimex cũng đưa vào kinh doanh cả nhiên liệu sinh học xăng E5 và dẫn đầu thị trường về các sản phẩm sạch.

Gần đây, thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai COP26, Petrolimex đã tích cực chủ động, nghiên cứu các chiến lược thực hiện chuyển dịch xanh, chuyển đổi năng lượng và có những dự án cụ thể để đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Qua đó, Petrolimex có thể tham gia vào các chiến lược xanh của Quốc gia và nhận được tài trợ từ nguồn vốn xanh. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng tích cực trong việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn xăng dầu, năng lượng lớn trên thế giới, từ Anh, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

Petrolimex đang nghiên cứu một số năng lượng chuyển đổi như: Biofuel, SAF...Về lâu dài sẽ tích cực tham gia vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia về hydrogen xanh, chuyển đổi xanh...

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng phối hợp với Vinfast trong việc triển khai hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn quốc. Đồng thời, kết hợp với các đối tác triển khai các dự án về điện mặt trời áp mái.

Lộ trình cùng kế hoạch bổ sung vốn điều lệ và chia cổ tức năm 2024?

Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex: Theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2021 - 2025 đã được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua và được ĐHĐCĐ bất thường phê chuẩn thì đến năm 2025, vốn điều lệ Petrolimex được nâng lên 20.000 tỷ đồng. 

Tập đoàn đã tích cực xây dựng hồ sơ, phương án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt lộ trình để làm sao đến hết năm 2025 vốn điều lệ Petrolimex có thể nâng lên 20.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Năm 2023, Petrolimex đã làm việc cùng các bộ ngành nhưng do vướng mắc về thể chế nên chưa thông qua được phương án tăng vốn từ thặng dư do bán cổ phần.

Mục tiêu năm 2024 là tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng nhưng do vướng về cơ chế, thể chế và quy định pháp luật nên chưa được thông qua. Hy vọng rằng, trong thời gian tới các quy định sẽ được sửa đổi theo hướng bao quát được hết các trường hợp như trường hợp của Petrolimex để chúng ta có thể tăng vốn đúng theo lộ trình.

Các nội dung chủ yếu phát triển của Petrolimex giai đoạn tiếp theo và chiến lược cụ thể năm 2024?

Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex: Giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035, Petrolimex sẽ tiếp tục lấy kinh doanh xăng dầu làm trục chính và thực hiện đa sở hữu, tập trung nguồn lực đầu tư để kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến mảng kinh doanh cốt lõi.

Bên cạnh đó, để bắt kịp xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay, Petrolimex cũng theo đuổi mục tiêu trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu, cung ứng những sản phẩm xanh, sạch chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Năm 2024, chúng tôi đang nghiên cứu kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ trong thời gian sắp tới.

Một trong những điểm mấu chốt của những kế hoạch hành động này, đó là chúng tôi sẽ chú trọng việc tích hợp tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế với chiến lược chuyển đổi số song hành với việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả...

Hải Hà Petro bị tước giấy phép hoạt động có giúp Petrolimex hưởng lợi?

Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex: Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương có thu hồi giấy phép thương nhân đầu mối của Hải Hà Petro nhưng nếu về kinh doanh xăng dầu thì đơn vị này vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh. Họ chỉ không được thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, vụ việc này vẫn có những tác động nhất định đến thị trường, bởi trong hệ thống phân phối của Hải Hà cũng có những thương nhân nhượng quyền, đại lý hoặc thương nhân phân phối. Sau khi Hải Hà Petro bị tước giấy phép thương nhân đầu mối, các đại lý này sẽ căn cứ vào khả năng cung ứng của đầu mối Hải Hà để lựa chọn tìm kiếm các thương nhân đầu mối khác trong đó có Petrolimex.

Chúng tôi không đánh giá Petrolimex được hưởng lợi gì thông qua việc này mà trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, Petrolimex với tư cách là doanh nghiệp giữ vị trí chủ đạo trên thị trường sẽ tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong việc dừng hoạt động thương nhân đầu mối của Hải Hà Petro, Petrolimex với vị trí là thương nhân đầu mối thì chắc chắn có thương hiệu, khả năng đảm bảo nguồn hàng tốt và có những chính sách hỗ trợ đại lý thì không lý do gì mà các nhà phân phối không tìm đến.

Vừa rồi, khi thực hiện hoá đơn điện tử, Petrolimex cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các thương nhân nhượng quyền trong việc triển khai hệ thống, giải pháp trong phát hành hoá đơn điện tử. Tôi tin rằng, các thương nhân kinh doanh khác tự lựa chọn trong đó có Petrolimex.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Petrolimex không để đứt gãy cung ứng xăng dầu.

Xem thêm tại vietnambiz.vn